Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Đôi điều tản mạn về thành quả cách mạng từ nhà hàng Suối Bia

Những ngày gần đây, đặc biệt là hôm nay, Ngày Mùng Hai Tháng Chín, trên các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh – Ngày Tết Độc lập của dân tộc, của nhân dân, của đất nước Việt Nam. Tất cả những bài nói, bài viết, phim ảnh… đều toát lên một nội dung: Thành quả của cuộc Cách mạng  tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, dẫn dắt nhân dân ta làm nên.
Có lẽ thế hệ trẻ ngày nay cảm nhận về thành quả của cách mạng chủ yếu là qua sách vở, qua những bài học ở nhà trường, qua phim ảnh nên có thể còn ở chừng mực, chưa thấy hết, chưa thấm thía sự đổi thay của cuộc đời từ thành quả của Cách mạng Tháng Tám, của ngày Tết Độc lập. Với thế hệ chúng tôi, tuổi 70 trở lên thì cảm nhận được thành quả của cách mạng ngay từ bát cơm ăn, từ manh áo mặc, từ căn nhà ở, đường đi mỗi khi bước chân ra khỏi nhà hàng ngày, từ cuộc sống sung sướng, đầy đủ tiện nghi của con, của cháu chắt ngay trong mỗi nhà, chứ chưa nói gì đến sự đổi thay lớn lao của quê hương, của đất nước. Hôm nay, cái cảm nhận về thành quả của cách mạng dậy lên trong tôi khi tôi được mời đến dự khai trương địa điểm mới của Nhà hàng Suối Bia – Nhà hàng của anh Trần Chi.
Thế hệ Trần Chi, sinh năm 1960, lớn lên trong những năm kháng chiến chống mỹ, trực tiếp là chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc. Đến tuổi trưởng thành đã trực tiếp tham gia cầm súng chiến đấu chống quân bành trướng, bảo vệ Tổ Quốc ở biên giới phía Bắc; đã nếm trải những khó khăn của thời bao cấp, của những năm đầu đổi mới với cuộc sống gian nan vất vả, chắc chắn là cảm nhận được thành quả của sự nghiệp đổi mới những năm gần đây, chứ cảm nhận được sự đổi đời của thành quả Cách mạng Tháng Tám thì chắc chắn là chưa hiểu thấu.
Thế hệ trẻ ngày nay, thế hệ sinh ra sau những năm 1980, như Trần Văn Trường, con trai đầu của Trần Chi, đã du học ở Nhật Bản, đang làm trong Công ty cơ khí Nhật - Việt ở Hà Nội thì chắc chắn là cảm nhận về thành quả cách mạng của nước ta còn nhiều điều suy nghĩ. Nước ta còn thua Nhật xa lắm. So với cuộc sống của Nhật thì nước ta còn phải phấn đấu nhiều chục năm nữa mới đat đến. Điều đó, chúng ta, con cháu chúng ta đều biết, đang lo, đang làm, vá chắc chắn là sẽ lo được, làm được.
Đó cũng là lẽ tự nhiên. Từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945, từ thế hệ của Trần Chi đâu còn có được cảm giác thơm ngon của cái bánh cám nướng thui trong lửa rơm, to bằng cái bánh quy Hương Thảo bây giờ, mà chỉ giành riêng cho người bé nhất trong nhà mới được ăn, năm 1945. Thế hệ Trần Chi đâu còn có được cảm giác ngon lành của  những bát củ chuối nấu không đủ muối, những khúc bầu luộc ăn thay cơm mỗi bữa tối về sau một ngày lao động vất vả.
Hôm nay, đi trong không khí tưng bừng chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc Khánh Mùng Hai Tháng Chín dọc các đường phố khang trang của trung tâm huyện lỵ Hiệp Hòa (Thị trấn Thắng), trong tôi đã rạo rực niềm vui khi nhìn rõ những thành quả của Cách mạng qua hơn nửa thế kỷ. Đến Nhà hàng Suối Bia của Trần Chi, ở địa điểm mới, giáp ranh giữa Thị trấn Thắng với xã Ngọc Sơn, cảm nhận về thành quả cách mạng trong tôi càng cụ thể hơn. Một nhà hàng với hai nhà sàn cổ hoàn toàn bằng gỗ Nghiến, được mua từ tỉnh Cao Bằng chuyển về, mỗi căn nhà rộng trên 100m2. Một nhà lợp ngói để gia đình ở sàn trên, sàn dưới là quầy bán hàng. Một nhà lợp lá cọ làm phòng ăn cho khách vừa mát mẻ, vừa sang trọng. Đi liền với hai nhà sàn còn có các phòng ăn có điều hòa nhiệt độ. Phòng nhỏ, mỗi phòng có 3 bàn ăn, 18 ghế ngồi. Phòng lớn có 12 bàn ăn, 72 ghế ngồi, phục vụ theo nhu cầu của khách. Một nhà hàng mang tên “Khu ẩm thực nhà sàn đôi” vừa cổ kính, vừa hiện đại nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển của cuộc sống đang đổi thay hàng ngày. Theo giới thiệu của Trần Chi, nhà hàng còn phát triển với khu vườn cây cảnh, bể cá, hội trường phục vụ đám cưới và những hạng mục dịch vụ khác. Quản lý điều hành nhà hàng là con trai thứ hai của Trần Chi đã tốt nghiệp Đại học, về làm tại nhà. Tương lai con gái út học xong Đại học cũng về làm tại nhà, không lo “thất nghiệp”. Nhà hàng hiện mới có 15 nhân viên phục vụ.
Vợ chồng Trần Chi vốn là gốc nông dân, chuyên làm nông nghiệp, đã trải qua lam lũ với chiếc xe đạp cọc cạch, lên tận rừng Yên Thế chặt nứa đem về đan phên dàng phơi bánh tráng, bán kiếm từng đấu gạo, rồi xoay sang nuôi lợn, nuôi gà mà cuộc sống vẫn khó khăn. Năm 2005, Trần Chi chuyển hướng. Từ thôn Chợ Thường, xã Thường Thắng nhỏ hẹp, Trần Chi lên Thị Trấn Thắng thuê đất mở nhà hàng Suối Bia làm dịch vụ ăn uống, giải khát. Hai vợ chồng vừa lao động, vừa lần lượt nuôi 3 con học Đại học. Tất cả đều từ vốn vay Ngân hàng Nhà Nước.
Không chỉ lo phát triển kinh tế gia đình, Trần Chi còn mang cả trách nhiệm với quê hương. Tháng 6/2010, anh được Đảng bộ xã Thường Thắng bầu vào Đảng ủy, rồi được bầu làm Bí thư Đảng ủy. Thời gian đó anh đã triển khai xây dựng nhà hàng Suối Bia với ý tưởng nhà sàn đôi như hiện nay. Hơn một năm nay, anh giao nhà hàng cho con trai thứ hai quản lý, điều hành, anh chỉ làm vai trò giám đốc. Anh tập trung cho nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Để thực hiện thành công Nghi quyết Đại hội Đảng bộ, Nghị quyết của Đảng ủy về vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông, đổ bê tông đường làng, anh trăn trở, lăn lộn ngày đêm với các chi bộ, các thôn. Chi bộ nào khó khăn, thôn nào khó khăn anh đều đến dự họp. Họp ngày, họp đêm anh sẵn sàng có mặt. Nghe anh phân tích, giải thích, nhân dân đều thông, nhất trí đồng lòng, quyết tâm thực hiện. Mấy tháng gần đây, phong trào hiến đất, mở rộng giao thông, đổ bê tông đường làng đang phát triển mạnh mẽ ở các thôn trong toàn xã có phần đóng góp quan trọng của anh.
Có thể bạn đọc cho rằng tôi tham lam, nói miên man, dây cà ra dây muống. Thế cũng không sai. Nhưng tôi lại muốn nói sâu cảm nhận của mình về thành quả cách mạng từ cái nhà hàng Suối Bia mà tôi thấy. Nhà hàng Suối Bia, người làm nên Nhà hàng Suối Bia Trần Chi, theo suy nghĩ của tôi là cái cụ thể của thành quả cách mạng. Con người, sự việc, cuộc sống hôm nay đều là thành quả của cách mạng. Chúng ta, con cháu chúng ta, làng xóm quê hương chúng ta đang đổi thay hàng ngày với tuyệt đại đa số người Việt Nam chúng ta có thể nói đều là thành quả của cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu dẫn dắt nhân dân ta làm nên trong hơn nửa thế kỷ qua.
Có thể có bạn đọc cho rằng, tôi được mời, đươc chiêu đãi mà viết bài này để quảng cáo cho nhà hàng Suối Bia. Hoàn toàn không phải như vậy. Tôi đang phải điều tri tiểu đường, điều trị viêm thần kinh, phải ăn kiêng. Kiêng bia, rượu, kiêng nhiều thức ăn. Ngồi cùng “bàn tiệc” với mọi người nhưng tôi chỉ dùng một cốc nước lọc đóng chai và mấy miếng đậu rán, rau muống luộc và món Kim chi kiểu Hàn Quốc mới lạ. Thịt gà, thịt cò, thịt bò, cá trạch rán…toàn những món ngon tôi đều phải kiêng. Tôi đến không vì được chiêu đãi mà vì nể lời mời của chủ nhà. Tôi đến cũng là để thăm quan một công trình mới mà chủ nhà đã giới thiệu từ khi còn đang xây dựng. Chính cảm nhận về thành quả cách mạng từ không khí của Ngày Quốc Khánh, với hình hài cụ thể của cái Nhà hàng Suối Bia của một gia đình gốc nông dân, từ nghèo khó xưa kia, nhờ có cách mạng mà được đổi đời, đã thôi thúc tôi viết những dòng này tâm sự cùng bạn đọc. Trong số những người có mặt, chỉ có tôi và bà Quế, mẹ đẻ của Trần Chi năm nay đang ở tuổi 80 là cảm nhận thấy và có suy nghĩ về điều này: Thành quả cách mạng mà mình, con cháu mình đã và đang được hưởng chính là đây. Thành quả cách mạng không ở đâu xa.

 Anh Trần Chi, người đứng bên trái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét