Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Lệ đình làng Thường

Làng Thường Thượng và làng Thường Hạ vốn từ một gốc Làng Thường xưa chia ra, cách ngày nay khoảng trên dưới 300 năm. Hàng năm đình làng có 4 lệ theo thời vụ, vào các ngày 12 tháng Giêng, 12 tháng Tư, 12 Tháng Bẩy và Lệ chính vào ngày mùng Chín tháng Chín.
Làng Thường Thượng ngày xưa chỉ có một làng chính là thôn Hồng Phong ngày nay và một cụm dân cư  gọi là Trại Chùa bao quang khu vực có ngôi chùa làng, ngày nay là thôn Tân Tiến (xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hóa). Thôn Đường Sơn được thành lập năm 1954 do một số gia đình từ làng Thượng ra lập trại. Thôn Chợ Thường thì mới được hình thành năm 1985 do điều kiện kinh tế - xã hội phát triển trong thời kỳ đổi mới, đến nay mới chỉ có gần 80 hộ ra lập phố, lập chợ trên đỉnh dốc Ao Bà hai bên tỉnh lộ 296 (cách thị trấn Thắng đi cầu Vát 3km) thuộc đất làng Thường Thượng. Cụm dân cư Nội Da có một số gia đình gốc làng Thường Thượng nhưng theo địa giới hành chính thì lại thuộc thôn Tam Sơn, mà 4/5 số hộ là người gốc làng Thường Hạ. Với Lệ Làng thì người làng nào - nói nôm na theo tục lệ là trai làng nào vẫn theo làng ấy. Trường hợp trai làng Thượng lấy gái làng Hạ, hoặc trai làng Hạ lấy gái làng Thượng thì gia đình thường theo Lệ cả hai làng. Ngày lệ chính mùng Chín tháng Chín thường có lễ thắp hương cả hai đình làng vì  đình hai làng trùng Lệ. Đình hai làng cùng thờ Thánh Cao Sơn Quý Minh.
Làng Thường Hạ đông người hơn. Xưa kia chia thành 4 giáp: Giáo Đông, Giáp Đoài, Giáp Nam, Giáp Bắc với hai làng chính là Trong Làng, Khúc Bánh cùng các ấp, trại: khúc Bạc, Bờ Đầm, Nội Duối, Mái Làng, Đồng Chót, Đồng Mới, Đồng Đoài, Trại Tò vò, Trại Hồ Tú. Ngày nay là 9 thôn: Trong Làng, Tân Hiệp, Khúc Bánh, Tiến Bộ, Thống Nhất, Dinh Đồng, Hiệp Đồng, Tam Sơn và Đồng Tâm.
Lệ hai Làng Thường bắt đầu từ sáng mùng Chín tháng Chín, kết thúc vào chiều mùng Mười. Sáng mùng Chín mở cửa đình, tất cả các cụ ông từ tuổi 49 đều ra đình làm lễ. Tuổi 49 là những người mới ra nhập làng, phải làm các công việc phục vụ làng 2 năm, một bộ phận làm nhiệm vụ kéo ngựa gỗ, khênh kiệu rước Thánh từ nghè làng về đình để làng làm lễ tế thần (chỉ còn ở làng Thường Hạ). Ngày xưa là các giáp, ngày nay là các thôn, các cụm dân cư, các dòng họ, các gia đình, người làng đi làm ăn sinh sống nơi xa… về làm lễ đình. Con gái đi lấy chồng nơi khác thì về làng, về nhà “ăn lệ”, ra đình thắp hương lễ Thánh. Lệ làng ngày xưa rất quan trọng. Giáp nào cũng thịt trâu, ăn ở đình, còn chia phần mang về theo xuất đinh. Ngày lệ ai không về làng sẽ là “kẻ bỏ làng”. Lệ làng ngày nay tuy không bắt buộc mà ai ai cũng nhớ, như là một thứ tình cảm đã ngấm vào máu thịt mỗi người. Nhiều người vì công việc không về được đã gửi lễ để người thân ra đình thắp hương. Âu Lệ Làng cũng là một nếp phong hóa đẹp, thật đáng trân trọng.
Lệ làng năm nay mình thật rủi. Đúng sáng mùng chín tự nhiên bị đau chân như bị bong gân một cách đột biến. Chiều mùng Chín “tập tếnh” xuống Đình Hạ lễ đình, tranh thủ chụp được mấy kiểu ảnh rước Thánh. Bốn giờ chiều cùng với đoàn cán bộ lãnh đạo, cơ quan xã lên thắp hương đình Thượng thì các cụ đã tế xong. Định sáng nay  (mùng Mười) sẽ chụp một số kiểu ảnh về tế lễ ở đình Thượng để giơi thiệu lệ làng quê hương với bạn bè thì chân bị xưng vù, không thể cố đi được. Đăng theo bài viết chỉ có mấy kiểu ảnh. Thật tiếc.




 Rước Thánh về đình
Ông Từ đón lễ của đoàn đại biểu lãnh đạo xã Thường Thắng. 
Xem Video:
http://www.youtube.com/watch?v=2EtWBTFGnw4






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét