Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Đại hội đại biểu Hội khuyến học huyện Hiệp Hòa lần thứ III thành công tốt đẹp

Thực hiện sự chỉ đạo của Hội khuyến học tỉnh Bắc giang; được sự nhất trí của Thường trực Huyện ủy, UBNH huyện, sáng 29/11/2011, Hội khuyến học huyện Hiệp Hòa đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2011 – 2016.
Dự, chỉ đạo, lãnh đạo Đại hội có ông Giáp Minh Quang, phó Chủ tịch thường trực, ông Nguyễn Xuân Hùng, ủy viên Ban Thường vụ Hội khuyến học tỉnh Bắc Giang; ông Nguyễn Tiến Cơi, Bí thư Huyện Ủy; bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch UBND huyện.
Dự Đại hội còn có đại biểu các cơ quan Huyện Ủy, HĐND, UBND, UBMT Tổ Quốc, các Ban, ngành, đoàn thể của huyện, cùng 132 đại biểu của Hội khuyến học các xã, thị trấn, các dòng họ, các gia đình hiếu học tiêu biểu trong huyện.
Thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ VII, BCH TW Đảng (khóa ĨX) về xây dựng cả nước thành xã hội học tập; Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 02/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Nhà Nước đối với Hội khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ Công nghiập hóa, Hiện đại hóa đất nước; Được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy, UBND huyện, 5 năm qua, cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng sự nghiệp giáo dục trong các cấp học ở các nhà trường, toàn huyện đã xây dựng được 925 chi hội khuyến học; trong đó có 178 chi hội khuyến học ở thôn và khu phố, 545 chi hội theo dòng họ, 98 chi hội trong các nhà trường, 60 chi hội ở các tổ chức xã hội; kết nạp 29.442 hội viên tham gia sinh hoạt Hội. Công tác bình xét “Gia đình hiếu học” hàng năm được các cấp Hội quan tâm. Năm 2011, toàn huyện có 20.000 gia đình hiếu học.
Các cấp Hội trong toàn huyện đã xây dựng được 1,2 tỷ đồng quỹ khuyến học. Trong đó, Hội khuyến học huyện có 40 triệu đồng; Hội khuyến học các xã, thị trấn có 123.548.000đ; Hội khuyến học cấp thôn, khu phố có 262.108.000đ, các dòng hó có 592.043.000đ, các đoàn thể có 27.692.000đ. Tiêu biểu là Hội khuyến học xã Đức Thắng có 215 triệu đồng, thôn Trung Hòa xã Mai Trung có 43 triệu đồng. Nhiều cá nhân là con em quê hương đị công tác, làm ăn xa, thành đạt đã ủng hộ xây dựng sự nghiệp giáo dục của quê hương rất đáng nêu gương như: Ông Ngô Quốc Hội ở thôn Mai Phong, xã Mai Trung đã ủng hộ 2 tỷ đồng xây dựng trường Mầm Non của xã. Ông Nguyễn Tráng Cảnh, ủng hộ quỹ khuyến học xã Mai Trung 5 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Lộc, thôn Vân Cẩm, xã Đông Lỗ đang công tác ở Hà Nội, ủng hộ các nhà trường trong xã 24 máy tính, trị giá trên 100 triệu đồng. Trường THCS Quang Minh được một cá nhân ủng hộ 20 máy tính trị giá trên 100 triệu đồng.
Trong phong trào khuyến học đã có nhiều “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học”, tiêu biểu như: Gia đình bà Phạm Minh Hạnh, ở Khu 4, thị trấn Thắng, chồng là thương binh nặng, nuôi 2 con học giỏi, hàng năm luôn đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh ở thôn Đa Hội, xã Hợp Thịnh, nuôi cả 2 con thi đỗ vào Đại học, trong đó có cháu Nguyễn Văn Phượng, nhiều năm đạt giải quốc gia. Ông Hoàng Văn Mật, thôn Trung Thành, xã Hùng Sơn, thuộc hộ nghèo, có 1 con đang học Thạc sĩ, 1 con đang học Đại học, 1 con đang học THPT. Gia đình ông Ngô Đăng Bẩy, thôn Đông Lâm, xã Hương Lâm có 3 con đều là thạc sĩ. Gia đình ông Phạm Văn Tập, ở thôn Hương Câu, xã Hương Lâm, có 4 con đều học Đại học. Gia đình ông Nguyễn Văn Chỉnh, chỉ làm ruộng, ở thôn Thống Nhất, xã Thường Thắng, cả 3 con đều đã học xong Đại học…
Về “Dòng họ khuyến học”, tiêu biểu có dòng họ Nguyễn Đăng, ở thôn Tiên Hưng, xã Đức Thắng, có 68/190 người trong dòng họ có trình độ đại học và cao đẳng, trong đó có có 4 thạc sĩ. Dòng họ Nguyễn ở thôn Thống Nhất, xã Thường Thắng, trong 105 hộ, có 1 Tiến sĩ, 3 thạc sĩ, 37 cử nhân, 8 cao đẳng; quỹ khuyến học của dòng họ có trên 20 triệu đồng. Dòng họ Nguyễn thôn Cẩm Hoàng, xã Cẩm Xuyên, có 65 hộ, có 1 Tiến sĩ, 4 thạc sĩ, gần 30 cử nhân….
Phát biểu tại Đại Hội, ông giáp Minh Quang, phó Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận và biểu dương những thành tích của Hội khuyến học huyện Hiệp Hòa trong 5 năm 2006 – 2011, mong Đảng bộ và nhân dân Hiệp Hòa giữ vững và phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ tới.
Trong ý kiến phát biểu với Đại hội, ông Nguyễn Tiến Cơi, Bí thư Huyện Ủy đã ghi nhận, động viên hoạt động của Hội khuyến học huyện, Hội khuyến học các xã, thị trấn, các dòng họ, các gia đình hiếu học và nhấn mạnh thêm về vị trí của giáo dục, của xã hội học tập trong sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới.
Sau phần thảo luận, thống nhất những đánh giá, ưu, khuyết điểm trong nhiệm kỳ II (2006 – 2011), phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ III (2011 – 2016); Đại Hội đã bầu 23 đại biểu vào BCH Hội nhiệm kỳ mới và 15 đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Hội khuyến học tỉnh Bắc Giang.
Đại Hội đã thành công tốt đẹp sau một buổi sáng làm việc khẩn trương. 
Dưới đây là một số hình ảnh Đại hội.
Ông Giáp Minh Quang và ông Nguyễn Xuân Hùng, Hội khuyến học tỉnh Bắc Giang tặng Hoa Đại hội

Huyện Ủy, HĐND, UBND huyện tặng hoa Đại hội.
Các Doanh nghiệp, các cơ uan tặng hoa Đại hội.
Ngân hàng CSXH huyện tặng hoa Đại hội
Bà Nguyễn Thị Hoa, HUV, Trưởng phòng Nội vụ huyện, phó Chủ tịch Hội nhiệm kỳ II , thay mặt Đoàn Chủ tịch báo cáo tổng kết nhiệm kỳ II và phương hướng nhiệm kỳ III.

Ông Phạm Văn Sáu, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Đức Thắng phát biểu tham luận.

 Ông Nguyễn Thế Tính, dòng họ Nguyễn, thôn Thống Nhất, xã Thường Thắng, phát biểu tham luận

Ông Giáp Minh Quang, phó Chủ tịch Thường trực Hội khuyến học tỉnh Bắc Giang phát biểu chỉ đạo Đại hội.

 Ông Nguyễn Tiến Cơi, Bí thư Huyện ủy, phát biểu với Đại hội.

BCH nhiệm kỳ III ra mắt Đại hội.

Đại hội tặng hoa các đại biểu BCH nhiệm kỳ II, không tham gia BCH nhiệm kỳ III

Bà Nguyễn Thị Huyền, Thư ký, thông qua Nghị quyết Đại hội

Đội văn nghệ của Phòng Giáo dục huyện Hiệp Hòa múa hát chào mừng Đại hội.

Hội trường Đại hội.


Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Xã Thường Thắng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam

Sáng 20/11/2011, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMT Tổ Quốc xã Thường Thắng đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 29 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2011). Mặc dù là ngày nghỉ nhưng đông đủ các ông bà trong Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMT Tổ Quốc, các đoàn thể, cán bộ công chức xã, đại diện Hội phụ huynh học sinh, Hội Cựu giáo chức, đội văn nghệ của học sinh các nhà trường cùng các thầy giáo, cô giáo ba nhà trường đã dự lễ kỷ niệm.
Mở đầu lễ kỷ niệm là chương trình múa hát của học sinh ba nhà trường: Mầm Non, Tiểu học, THCS và cán bộ công chức xã chúc mừng các thầy giáo, cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
Trong không khí trang nghiêm, long trọng các vị lãnh đạo xã, Hội Cựu giáo chức, Hội phụ huynh học sinh, trạm xá xã, các em học sinh đã tặng hoa chúc mừng các thầy giáo, cô giáo các nhà trường. Ông Nguyễn Văn Tuấn, phó Chủ tịch UBND xã đã đọc diễn văn kỷ niệm ôn lại truyền thống vinh quang của các thế hệ nhà giáo đã dầy công xây dựng nền giáo dục Việt Nam tiến cùng sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc; điểm lại thành tích của 3 nhà trường trong xã, biểu dương các thầy giáo, cô giáo dậy giỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa sự nghiệp giáo dục của xã Thường Thắng tiến bộ vượt bậc trong những năm gần đậy. Cả 3 nhà trường đều đạt trường Tiên Tiến và Tiên Tiến xuất sắc.
Tổ chức kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam long trọng, trang nghiêm thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong xã đối với các nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục của địa phương; sự biết ơn của các thế hệ học sinh đối với các thầy giáo, cô giáo. Xin giới thiệu một số hình ảnh buổi lễ kỷ niệm cùng bạn đọc. 

Lãnh đạo xã tặng hoa ba nhà trường. Từ trái sang phải: Ông Trần Chi, Bí thư Đảng ủy; bà Văn Thị Nguyệt, Hiệu trưởng trường Mầm Non; ông Nguyễn Anh Dũng, Hiệu trưởng trường Tiểu học; bà Nguyễn Thị Lợi, Hiệu trưởng trường THCS; ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch UBND xã.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, phó Chủ tịch UBND xã đọc diễn văn Kỷ niệm.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã tặng hoa 3 nhà trường.

Ông Bùi Đức Loa, Hội trưởng Hội phụ huynh học sinh tặng hoa các thầy cô giáo trường THCS.

Ông Tuấn Anh, Trạm Trưởng trạm y tế xã tặng hoa các nhà trường.
Ông Trần Chi, Bí thư Đảng ủy tặng hoa nhà giáo lão thành Nguyễn Văn Tuyết 

Đội múa trường Mầm Non tặng hoa các cô giáo.

Đại diện học sinh trường Tiểu học tặng hoa các thầy, cô giáo, thầy Hiệu Trưởng nhận hoa

Múa hát chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
Hội trường lễ kỷ niệm

Tọa đàm tại trường THCS.





 



Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Đêm giao lưu văn nghệ chào mừng ngày hội Đoàn kết toàn dân 18.11

Sau 5 ngày các thôn trong xã liên tiếp tổ chức ngày hội Đoàn kết toàn dân, tổng kết phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" năm 2011, tối nay, 18/11/2011, UBND xã Thường Thắng đã tổ chức giao lưu văn nghệ chào mừng Ngày hội đoàn kết toàn dân (18/11) và chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Cả 13 thôn, 3 nhà trường, Trạm xá xã đã tổ chức đội văn nghệ tham gia đêm giao lưu. Mặc dù giữa ngày mùa đang bận rộn với công việc gặt lúa mùa muộn, trồng khoai tây, cán bộ và nhân dân toàn xã, các thầy giáo, cô giáo các nhà trường đã sôi nổi tham gia đêm giao lưu chào mừng kết quả 1 năm phấn đấu tiến bộ vượt bậc trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" với 9 thôn được đề nghị UBND huyện công nhận đạt Làng Văn hóa cấp huyện, tăng 5 thôn so với năm 2010. 3 nhà trường, trạm xá và cơ quan UBND xã đều được đề nghị ÙBND huyện công nhận đạt Cơ quan Văn hóa. Đêm giao lưu văn nghệ đã diễn ra thật sôi nổi, vui tươi, an toàn tuyệt đối.
Dưới đây là một số hình ảnh đêm giao lưu.

 Ông Nguyễn Văn Tuấn, phó Chủ tịch UBND xã khai mạc đêm giao lưu

 Đông đảo nhân dân đã tham dự đêm giao lưu văn nghệ.

 MC Đức Chuyến, Kim Oanh

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

Tấm ảnh kỷ niệm về trường cấp II Hiệp Hòa xưa

Từ mấy tháng nay tôi đọc được nhiều bài viết của các nhà giáo, các cựu học sinh trường THCS xã Đức Thắng, chính là trường cấp hai Hiệp Hòa xưa, nói về truyền thống 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của trường. Tôi cũng là một cựu học sinh khóa 1957 - 1960 của nhà trường. Đọc các bài viết lại dậy lên trong  tôi tình cảm gắn bó với mái trường cấp hai Hiệp Hòa thân yêu thời ấy. Ở mái trường này, trong sự học hành, tôi có cả tình thầy trò, tình bạn bè, tình yêu tuổi trẻ. Tôi muốn viết một bài nói về mái trường xưa góp cùng với các bạn xây dựng truyền thống của trường mà nghĩ mãi không biết viết thế nào, viết cái gì. Tình cờ tôi tìm thấy tấm ảnh tập thể lớp 6A, khóa 1958 – 1961 của nhà tôi lưu giữ. Bức ảnh đã gợi lại trong tôi nhiều kỷ niệm về thời học trò vô tư, về trường cấp hai Hiệp Hòa thân yêu.
Có lẽ tuổi học trò thì thời nào cũng vậy, khi bước vào trường mới bao giờ cũng có những bỡ ngỡ ban đầu với việc làm quen với bạn mới, bạn cùng bàn, bạn cùng lớp. Nhưng rồi một tuần, hai tuần, ba tuần… qua đi thì những bỡ ngỡ ban đầu cũng đi theo. Một tập thể bạn bè lại gắn bó với nhau trong một lớp, một khối, một trường cho đến khi học xong cấp học, chia tay nhau, đem theo mối tình “đồng môn”, “đồng khóa” đến suốt cuộc đời.
Thời chúng tôi vào lớp 5 (lớp đầu cấp II thời ấy) đều đã lớn tuổi hơn học sinh THCS bây giờ. Có đến hơn phần nửa số học sinh đã là đoàn viên, thậm chí có bạn đã có gia đình riêng, song vẫn mang cái sôi nổi, cái tinh nghịch của tuổi học trò chỉ xếp sau có “quỷ” và “ma”.
Trường lớp hồi đó thì thật đơn sơ, tất cả đều là nhà tranh, vách đất. Mỗi lớp là một ngôi nhà ba gian làm bằng tre vầu, lợp lá cọ. Tường nhà cũng là những cây vầu nhó, chẻ đôi cây cắmm đứng, cây buộc ngang thành những ô vuông 10 x 10 cm, lấy đất trộn với rơm nhét qua những lỗ ô vuông đó rồi miết, xoa liền với nhau thành tường. Nhân dân ta thường gọi là tường vách. Mỗi lớp học chỉ để một cửa  ra vào ở một gian đầu nhìn ra sân trường. Mỗi gian có 2 cửa sổ. Phía  trước là một cửa đi, 2 cửa sổ. Phía sau là 3 cửa sổ. Đầu đốc cuối lớp để một cửa sổ. Cánh cửa đi, cánh cửa sổ đầu làm bằng phên nứa, sau được thay dần bằng ván ghép. Cánh cửa sổ thường là dùng que chống lên khi mở ra. Hết giờ học thì tổ trực nhật rút que, hạ cửa xuống để buộc lại. Mái hiên chạy chung quanh lớp rộng chừng một mét để chống mưa hắt vào lớp. Bên trên mái lá cọ có một phên chống bão bằng những thanh tre dài suốt mái, đan thành những ô vuông cỡ 40 x 40cm. được đè sát xuống mái lá cọ bằng 4 vì kèo tre to để cả cây, đầu dưới gắn với 2 cọc tre đóng gìm xuống đất để chống bão.
Trường có 3 dẫy lớp. Từ cổng vào, phía bên phải là dẫy lớp 5 và lớp 7. Phía bên trái là dẫy lớp 6 và phòng thí nghiệm. Dẫy lớp 5 và lớp 6 nhìn ra sân trường. Dẫy lớp 7 đối diện với phòng thí nghiệm qua nhà văn phòng nhưng xây theo hướng nhà văn phòng. Trên cùng, ở chính giữa khuôn viên trường là nhà văn phòng, nhìn thẳng ra cổng trường. Hai gian ở 2 đầu nhà văn phòng là phòng Hiệu trưởng và Hiệu phó. Riêng phòng thí nghiệm và nhà văn phòng được xây bằng gạch, lợp ngói sông cầu.
Phía trước nhà văn phòng là  bục sân khấu đắp bằng đất, cao khoảng 70 – 80 cm. Sát phía sau bục sân khấu là cột cờ. Trước các lớp là những cây bàng, cây sà cừ non, gốc mới to bằng bắp chân, bắp tay. Chung quanh trường có tường bao được đắp bằng đất, do học sinh các lớp đắp vào những buổi lao động hàng tuần.
Bây giờ mà kể lại hình ảnh trường lớp ngày xưa, chắc các em học sinh sẽ cho là “chuyện cổ tích”. Các em khó có thể hình dung được. Tấm ảnh lớp 6A khóa 1958 – 1961 là một minh chứng về hình ảnh nhà trường thời đó. Tôi xin gửi để nhà trường làm tư liệu truyền thống.

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Kiểm tra công tác giáo dục pháp luật tại xã Thường Thắng

Sáng 9/11/2011, đoàn kiểm tra của tỉnh Bắc Giang do ông Đào Đức Sinh, phó Giám đốc sở Nội vụ dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra hoạt động công tác giáo dục pháp luật tại xã Thường Thắng. Cùng đi trong đoàn có ông Lương Văn Thành, phó Giám độc Sở Khoa học công nghệ, ông Phạm Văn Tĩnh, chuyên viên của Sở Tư pháp và bà Hoàng Kim Oanh, cán bộ Phòng Tư pháp huyện Hiệp Hòa.
Nhằm đánh giá thực chất công tác giáo dục pháp luật ở cơ sở nên cuộc kiểm tra chỉ được thông báo trước một thời gian ngắn. Các thành viên trong Hội đồng giáo dục pháp luật xã chỉ được thông báo mời dự vào cuối giờ làm việc buổi chiều ngày 08/11/2011. Cán bộ Tư pháp xã cũng chỉ kịp chuẩn bị những tài liệu đã có sẵn để Chủ tịch UBND xã báo cáo với đoàn.
Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu làm thế nào nói thế theo các nội dung do đoàn nêu ra. Tuy nhiên, do hoạt động công tác giáo dục pháp luật ở xã Thường Thắng đã đi vào nề nếp hàng năm nên Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Năm đã báo cáo đầy đủ những nội dung theo yêu cầu của đoàn.
Ngay từ đầu năm, UBND xã đã có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục pháp luật triển khai đến các ngành, các đoàn thể, các nhà trường, các thôn để triển khai thực hiện. Sau khi bầu cử Hội đồng nhân dân, UBND xã đã có quyết định củng cố, kiện toàn Hội đồng giáo dục pháp luât của xã. Trong năm toàn xã đã tổ chức 6 cuộc tuyên truyền pháp luật tập trung do UBND, các đoàn thể, các nhà tường tổ chức, tập trung vào các nội dung: Luật an toàn giao thông; Luật Bầu cử đại biểu Quốc Hội, bầu cử HĐND; Luật Khiếu nại, Tố cáo; Luật phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật về người khuyết tật. Hình thức tuyên truyền linh hoạt phù hợp với đối tượng, nội dung như tổ chức hội nghị tuyên truyền tập trung với cán bộ chính quyền, đoàn thể thôn, xã, hội viên các đoàn thể, cán bộ, giáo viên, học sinh trường THCS; chơi mà học ở Trường Tiểu học, Trường Mầm Non; tiểu phẩm sân khấu hóa trong các buổi giao lưu văn nghệ đối với toàn dân…
13 tổ hòa giải ở 13 thôn hoạt động đều, đã hòa giải kịp thời nhữnh mâu thuẫn, xích mích trong cuộc sống tại thôn. Chỉ có những tranh chấp đất đai, tài sản mới chuyển lên Hội đồng hòa giải xã. Đặc biệt Hội đòng hào giải xã đã hòa giải thành công mâu thuẫn giữa tập thể 2 thôn Khúc Bánh và Thống nhất do thanh niên 2 thôn đánh nhau gây ra.
Bằng các hình thức tuyên truyền linh hoạt, phù hợp, nhiều nội dung pháp luật đã đi vào đời sống thường ngày phục vụ cho các mục tiêu kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà Nước.
Mặt yếu là chưa có tủ sách pháp luật ở thôn (vì chưa có Nhà văn hóa thôn), chưa thực hiện được Ngày pháp luật hàng tháng, chưa có đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền pháp luật.
Sau khi nghe báo cáo của Chủ tịch UBND xã và các ý kiến bổ sung của các thành viên HĐGDPL xã, đòan kiểm tra đã kết luận: Công tác giáo dục pháp luật ở xã Thường Thắng làm có bài bản, có kế hoạch, chọn nội dung đúng trọng tâm, tuyên truyền có nhiều hình thức phù hợp với cuộc sống, với đối tượng. Đánh giá chung là hoạt động khá.
Cuộc kiểm tra kết thúc sau gần 2 giờ làm việc khẩn trương.