Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Đảng bộ xã Thường Thắng tổng kết công tác năm 2012



Sáng 21/1/2013, Đảng bộ xã Thường Thắng đã tổ chức tổng kết công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2012; triển khai nhiệm vụ năm 2013. Dự, chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Thảo, ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận huyện ủy. Đông đủ đảng viên trong đảng bộ đã có mặt dự hội nghị.
Năm 2012, trong điều kiện khó khăn chung của đất nước, của quê hương Hiệp Hòa, Bắc Giang, đảng bộ xã Thường Thắng đã lãnh đạo hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Sản xuết công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và 252 hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ vẫn hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho hàng trăm lao động trong xã, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Sản xuất nông nghiệp phát triển đều, trồng cấy hết diện tích, kịp thời vụ, năng xuất, sản lượng đều đạt 100% kế hoạch. Việc đưa giống mới vào sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật được quan tâm. Việc phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được coi trọng. Đàn gia súc gia cầm được duy trì theo kế hoạch, không sảy ra dịch bệnh. Thu, chi ngân sách hoàn thành kế hoạch, đạt hơn 10 tỷ đồng. Giao thông, thủy lợi tiếp tục được đầu tư phát triển. Đã hoàn thành xây dựng công trình trường Mầm Non với tổng kinh phí dự toán gần 8 tỷ đồng; cải tạo nghĩa trang liệt sĩ với 190,45 triệu đồng, gia cố cống đá Chùa hạ 44,5 triệu đồng; xây dựng 3 phòng chức năng Trạm y tế 199,7 triệu đồng. 6 thôn tiếp tục đổ bê tông đường làng theo tiêu chí nông thôn mới được 7,5 km với tổng kinh phí 3 tỷ 766 triệu đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ thôn Tân Hiệp 65 triệu đồng…
Công tác lãnh đạo xây dựng Đảng bộ, xây dựng chính quyền, xây dựng các đoàn thể chính trị - xã hội được triển khai đồng bộ , đạy kết quả cao. Riêng về lãnh đạo xây dựng đảng bộ, đã triển khai thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) theo đúng tinh thần chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, phân tích, kiểm điểm nghiêm túc những yếu kém, khuyết điểm của cấp ủy, của từng đ/c cấp ủy viên, của từng chi bộ và từng đảng viên. Kết quả phân loại trong tổng kết năm, đảng viên đủ tư cáh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 08%; đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 60,2%; đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ chiếm 28,8%; đảng viên vi phạm tư cách không hoàn thành nhiệm vụ chiếm 03%.; 11/17 chi bộ đath Trong sạch vững mạnh, chiếm 64,8%; 3/17 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ (17,6%); 3/17 chi bộ hoàn thành nhiệm vụ. Không có chi bộ yếu kém. Đảng bộ đạt mức hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Từ kết quả hoạt động năm 2012, hội nghị đã đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2013 với 12 nhiệm vụ trọng tâm và mục tiêu phấn đấu đạt tiêu chuẩn Đảng bộ trong sạch vững mạnh.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đ/c Nguyễn Xuân Thảo, ủy viên Ban Thưởng vụ huyện ủy đã đánh giá cao những kết quả lãnh đạo của đảng bộ. Đ/c cũng chỉ rõ những mặt còn hạn chế và chỉ ra những nội dung đảng bộ cần tập trung lãnh đạo trong năm 2013. Trong đó, nội dung quan trọng là tiếp tục thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XI), khắc phục triệt để những khuyết điểm đã kiểm điệm. Đặc biệt là công tác giáo dục chính tri, tư tưởng cho đảng viên, duy trì sinh hoạt đảng, phát triển đảng viên mới.
Dưới đây là một số hình ảnh hội nghị.











Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Lai lịch trại tò vò

Bài chuyển từ Blog trại tò vò sang.

Trại tò vò là nơi tôi sinh ra, nhưng thế hệ con cháu tôi thì không còn biết đến cái tên này. Từ tháng 10 năm 1954, sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, xã Hiệp Thắng được chia thành xã Chiến Thắng và xã Thắng lợi, trại tò vò cùng với ấp Nội Bông và ấp Nội Da hợp thành xóm Tam Sơn của xã Chiến Thắng (năm 1971 đổi tên thành xã Thường Thắng), huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
 Ngày xưa, các cụ thường đặt tên cho các cụm dân cư theo đặc điểm của từng nơi như: Bờ Đầm (dải đất gần vùng đầm nước), Nội Duối (dải đất có nhiều cây duối), Nội Bông (vùng đồi có nhiều loại cỏ bông), Nội Da (vùng đồi có nhiều cây đa), Đồng Chót (đồng ở cuối làng), Đồng Đoài (đồng ở phía Tây làng)… Vùng đồi các cụ nhà tôi khai phá được gọi tên theo đặc điểm xây dựng. Các cụ sau khi trồng tre, không chỉ đắp lũy như các cụm dân cư khác, mà nhào đất (thường gọi là xéo đất) đắp tường. Tường có chân dầy 60cm đến 80cm thu dần lên cao từ 1,2m đến 1,6m tùy từng đoạn, có đoạn cao đến 2 mét nhìn từ ngoài vào. Mặt trên của tường dầy từ 20cm đến 25cm, có mũ bằng đất gắn cành tre có gai hoặc mảnh chai, mảnh sành. Nhà nọ nối liền với nhà kia thành một bức tường vây khép kín bao quanh cả cụm dân cư. Bên trong mỗi nhà lại chia vườn ra từng mảnh, đều có tường vây, tạo thành hai, ba lớp tường, lớp vườn theo độ dốc của đất vườn rồi mới đên phần sân, nhà. Mỗi nhà để một lối đi hai bên đều có tường, có hai hoặc ba lớp cổng. Đời các cụ thường hay có cướp, làm như thế để chống cướp.  Nhà khá giả thì thuê người đắp tường, nấu cơm cho người ta ăn nếu cả vợ con đến giúp, gọi là làm hộ. Nếu chỉ có một người đến làm thì được trả thêm một bát gạo hoặc một dúm khoai lang ( quê tôi gọi là dúm củ - khoai lang cuốc về, để nguyên cả dây gốc, buộc túm lại, mỗi túm khoảng một hai kg, để héo, vặt ra, rửa sạch, cho vào nồi đất (sành), đậy kín vung, không cho nước, lấy một ít rơm quây xung quanh, đổ trấu kín, đốt lửa cho cháy âm ỉ từ trưa đến tối hoặc từ tối đến sáng, khoai chín ngọt như chuối chín, ăn rất ngon, thơm, thường gọi là khoai hầm, tiếng quê tôi gọi là củ hầm). Cũng chỉ có nhà cụ Bếp Phả mượn được người làm, còn các gia đình đều tự đắp tường. Thường tranh thủ đắp vào buổi tối, nói cho đúng là đắp vào ban đêm vì ban ngày thường phải đi làm mướn. Do đó dân làng đặt cho cái tên là Trại Tò Vò. Tôi muốn ghi lại lai lịch và sự phát triển của nơi tôi đã sinh ra để con cháu tôi, những Cử nhân, Tiến sĩ ngày nay biết kị, cụ, ông bà chúng ngày xưa đã lập lên cái Trại Tò vò như thế nào, những cách làm mà chúng khó có thể tưởng tượng được.
I.                  Về con người
Theo quan hệ họ hàng hiện tại thì Trại Tò Vò do hai gia đình gốc khai phá cách ngày nay khoảng 160 đến 180 năm. Anh em tôi là đời thứ 5. Anh con ông bác bên ngoại của tôi, cũng là người con trai đầu của đời thứ 5, năm nay 86 tuổi, nếu tính bình quân đời nọ cách đời kia 20 năm thì cũng đã có trên 160 năm. Bà nội tôi là đời thứ 3, mất năm 1938, thọ 64 tuổi, đến năm nay cũng đã là 135 năm, cộng thêm đời cụ ngoại, kỵ ngoại tôi thì cũng có trên 175 năm. Ở đời thứ 3 này, hai gia đình gốc thông gia vơi nhau, phát triển thành 8 hộ cùng với 5 hộ khác đến sau, tổng cộng là 13 hộ. Đến đời thứ 5 chúng tôi, chỉ tính con trai của 2 gia đình gốc đã có đến 36 hộ; không tính con gái vì tất cả con gái đều đi lấy chồng ở làng khác, thôn khác. Đời thứ 5 chúng tôi chỉ có duy nhất 1 người con gái lấy chồng tại Trại. 5 gia đình đến sau, đến đời chúng tôi cũng chỉ có 4 hộ, một hộ không phát triển. Trong 36 anh em cháu bác, cháu chú, cháu dì, cháu dà của 8 hộ nội ngoại chúng tôi có 25 người đi bộ đội (24 trai, 1 gái), 1 người chống pháp hy sinh, 4 người tham gia cả chống Pháp và chông Mỹ, 19 người lớp chúng tôi tham gia chống Mỹ, hy sinh 6 người, bị thương 2 người. Riêng nhà tôi có thêm cô em út cũng đi bộ đội chống mỹ. 5 hộ đến sau có 1 người đi bộ đội chống Pháp. Tổng cộng 13 hộ của Trại Tò Vò có 26 người đi bộ đội tính từ 1948 đến năm 1972. Hiện tại Trại Tò vò có 87 hộ, không kể 20 hộ tách ra ở chỗ khác và các nơi như gia đình tôi. Số nhân khẩu thì chưa thống kê được.
II. Về kinh tế
 Ngày xưa chỉ có nhà cụ Bếp Phả gọi là có dư dật, còn tất cả đều thuộc diện túng đói, phải đi làm thuê, làm mướn ở Ấp Lý Hạp tận Phú Bình. Năm 1945 có 1 người (bà Sải) chết đói ở ngay cầu xi măng ở đầu Trại khi đi làm sớm. Năm đó tôi còn bé nhưng vẫn nhớ như in hình ảnh và hương vị của cái bánh cám, bố mẹ tôi để phần cho riêng tôi, nướng bằng than rạ hơi cháy, to bằng cái chôn bát con (bằng cái bánh quy Hương Thảo bây giờ), thơm ngon có lẽ bánh quy bây giờ khó sánh được. Năm 1954 cũng bị đói, các gia đình đều phải ăn củ chuối, bầu, cà ghém thay cơm. Bố mẹ tôi thì vẫn giữ được một bữa cháo, còn là ăn bầu, cà ghém luộc, rau má, rau khúc xen với củ chuối. Thời gian đói kéo dài đến 2 – 3 tháng gì đó. Một số người đã bị phù thũng. Tôi vẫn nhớ câu hát do chúng tôi bịa ra là “ăn nhiều củ chuối nó đâm bệnh phù…” Ngày nay thì khá rồi. Con cháu chúng tôi cũng tiến kịp với sự phát tiển chung của xã hội ở nông thôn vùng đồi trung du miền núi thấp; hiện còn  hai hộ cận nghèo so với chuẩn nghèo của nhà nước. Tuy vậy, tất cả đều không phải ăn cơm độn sắn, khoai. Khoai sắn chỉ dùng để chăn nuôi. Bữa ăn đã có thịt, cá; có xe máy để đi lại (và cũng là phương tiện vận tải như một công cụ sản xuất), có tivi để xem. Đại bộ phận nhà ở đã xây bằng gạch, lợp ngói mũi, nền lát gạch men, sân cũng lát gạch; công trình phụ cũng xây bằng gạch, lợp ngói hoặc tấm lợp Pro. Có 3 cháu đời thứ 6 đã làm được nhà tầng.
III. Về văn hóa, học hành
 Có thể nói gọn một câu là từ đời bố tôi về trước không ai biết chữ. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, từ phong trào diệt giặc dốt, một số ông và các anh tôi được học đến biết đọc, biết viết. Riêng ông Nguyễn Văn Phê biết làm toán cộng, trừ đã dậy cho chúng tôi sau này. Năm 1954, sau hòa bình xã tôi mới có trường học. Chúng tôi là lớp được đi học đầu tiên của Trại Tò Vò cũng như của xã. Trước chúng tôi chỉ có dăm anh gia đình khá giả được đi học, nhưng phải lên tận xã Đưc Thắng hoặc Phú Bình Thái Nguyên mới có trường. Phần lớn các anh sau này được học ở trong Quân đội. Đại bộ phận các bà, các chị được học bổ túc văn hóa trong các năm 1957-1960 mà chúng tôi đã trực tiếp dậy cho họ. Nhờ học lỏm rồi học bình dân học vụ mà khi có trường tôi được vào học ngay lớp 2. Cùng lớp với tôi có cả các anh hơn tôi 6 tuổi. Năm ấy tôi 12 tuổi, là một trong 2 đứa ít tuổi nhất lớp với 24 học sinh lớp đầu của xã. Lên đến cấp II thì cả xã còn được 8 người học ở trường cấp II Hiệp Hòa. Thi đỗ và học lên cấp III, cả xã chỉ có hai anh em tôi là cháu dì cháu già. Trại Tò vò thì chỉ có mình tôi. Hồi đó đi học gian nan lắm. Hè năm 1960, tôi đi đắp đê ở Yên Dũng, được chia 3,6 đồng. Đem về tôi mua được 20 con vịt, nuôi lớn, chết mất 3 con, còn 17 con, bán được 36 đồng, bố tôi mua 3 con lợn con, nuôi một tháng, bán đi một con được 23 đồng, vay hợp tác xã tín dụng 50 đồng để may quần áo, mua sách vở. Hồi đó ở Hiệp Hòa chưa có trường cấp III, tôi phải lên thị xã Bắc Giang học tại trường cấp III Ngô Sĩ Liên. Thời đó học sinh đi học được phân 13kg phiếu gạo, được mua 10kg gạo, còn 3kg phiếu phải mua độn, thường là khoai lang, 1kg phiếu được mua 3kg khoai. Củi được mua 5kg. Chúng tôi thường làm quen với các cô, các chị bán gạo, bán củi để được mua thêm một hai kg khoai mỗi lần, hoặc củi loại một thì tính loại 2, loại 3. Các chị, các cô cũng thường hay chiếu cố học sinh. Cũng may, anh cả tôi là bộ đội chuyển ngành làm công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm, những năm sau,mỗi tháng anh tôi cho tôi 10 đồng đủ để ăn học. Tôi phải trọ học ở làng Vĩnh Linh, cách trường gần 2km. Thường Thường mỗi tháng tôi mua cả gạo, củi, rau muối, dầu đèn hết 9 đồng rưỡi, còn 5 hào để dự phòng hoặc đi xem phim. Hai, ba tuần một lần về nhà nghỉ chủ nhật, đem thêm củi, tương để ăn. Nhớ một lần tôi mang một bó củi dong và một chai tương, đến Sen Hồ tôi gửi anh bạn đi tầu hỏa mang hộ. Tôi không có tiền đi tầu, phải đi bộ. Từ ga Sen Hồ lên Bắc Giang 10km, mất hai hào tiền tầu. Anh bạn tôi đem chai tương lên tầu, tầu chạy một đoạn, chai tương nổ tung nút, tương bắn tung lên trần tầu, văng vào mọi người xung quanh. Mọi người la mắng. Anh bạn tôi vẫn nhặt nút chai nút lại. Chai tương chỉ còn một ít, toàn nước, đủ một bữa ăn.
Kể lại một chút chuyện học hành của ngày xưa cho con cháu biết. Ngày nay thì chẳng bao giờ có cái cảnh ấy. Cũng kể lại chuyện này để nói rằng, việc con cháu  tôi đều học được hết Đại học là tôi hạnh phúc lắm. Nhất là con trai đầu của tôi, Nguyễn Ngọc Oanh đạt được bằng tốt nghiệp Tiến sĩ là điều mơ ước lớn nhất của đời tôi.
Nguyễn Ngọc Oanh cũng sinh ra tại Trại Tò vò, ngày 18/1/1965, khi tôi đã có mặt ở chiến trường Trị - Thiên – Huế được 9 tháng. Tháng 10/1966 tôi mới nhận được thư nhà và ảnh của cháu. Cái ảnh ở đầu trang BLog Trai cầu vồng Yên Thế đấy. Hồi đó có chiến tranh, mẹ cháu và ông bà nội nuôi cháu cũng khá vất vả. Sữa mẹ không đủ. Thỉnh thoảng bà ngoại làm cán bộ phụ nữ xã xin mua được hộp sữa bò lại đem cho cháu. Bữa ăn ưu tiên nhất là cháu được ăn một quả trứng vịt sào với muối, còn chủ yếu là ăn cơm với dưa, cà, cua, cá do các cô đi bắt ở đồng. Nhiêu bữa chỉ ăn cơm với muối trắng, không phải muối tinh như bây giờ đâu, mà là muối “cộ”, hạt muối to bằng hạt ngô. Lúc bé, sau thời kỳ ăn bột, trẻ con thường ăn cơm “búng”. Mẹ  (thường là bà nội), nhai độ nửa bát cơm nhiễn ra, lấy hạt muối mút một ít cho vừa rồi mớm cho trẻ. Oanh được 18 tháng thì ở nhà với ông bà nội, mẹ  được tuyển vào ngành Công an. Đó cũng là sự may mắn cho cuộc sống của gia đình sau này. Lúc 3 - 4 tuổi, có lần Oanh bị kiết lị, nhòm như con mèo hen, suốt ngày quấy khóc, bắt cô Bình bế cả ngày đêm, không cho cô được ngủ.  Năm 1972, tôi ở chiến trường ra nghỉ phép mới làm thủ tục đem cháu lên cơ quan ở với mẹ, học ở trường xã Dĩnh Trì. Cháu học cũng được và có ý thức tự lập rất sớm. Đó cũng là đặc điểm trên bước đường trưởng thành sau này, xứng đáng là con trai của Trại Tò Vò xa xưa. Hiện tại, Trại Tò Vò có 4 cháu học xong Đại học, 6 cháu học xong Cao đẳng, 4 cháu đang học Đại học  (5 cháu ở đời thứ 6 và 9 cháu ở đời thứ 7).
Ghi lại một chút để con cháu biết đến thời gian nan lúc nhỏ, mà thấy sự sung sướng bây giờ ./.

Tư liệu trại tò vò

Bài chuyển từ Blog Trại tò vò sang

TÊN CÁC CỤ HAI GIA TỘC KHAI PHÁ TRẠI TÒ VÒ

1. Gia tộc cụ Tự Phúc Chí (đời thứ 2), bố của cụ Bếp Phả và cụ Ba. Vì là chi thứ nên chưa biết tên cụ tổ.Ở Bờ Đầm lên. Cụ Ba làm rể cụ Kính em cụ Thành (tư liệu này còn phải kiểm tra lại). Hai nhà thông gia từ đời thứ 4.
2. Gia tộc cụ Tự Phúc Chương (đời thứ 2), bố của cụ Tự Phúc Thành, ông nội của cụ Tự Phúc Khoản. Là chi thứ ở Đồng Chót lên. Không nhớ tên cụ tổ. Chỉ biết 3 đời trước cụ Khoản đều độc đinh (chỉ có một người con trai).

MỘT SỐ HÌNH ẢNH XƯA VÀ NAY


Hệ thống tường vườn đắp bằng đất còn lại. Đoạn tường này được đắp từ đời cụ Khoản, bố ông Thử. Ông Thử năm nay đã 86 tuổi. Những đoạn đất trông còn mới là do mưa gió bị đổ, con cháu đắp lại.



Những đoạn tường đất đắp từ thời khai hiên lập trại, đời cụ Thành. Tường cổng ngày xưa. Hậu duệ đời thứ 7 đang ở trên đất này, đã xây lại những đoạn bị đổ do thời gian và mưa gió.


Hệ thống tường bao quanh trại và cổng của con cháu ngày nay (Xuân Canh Dần 2010)

NHỮNG NGÔI NHÀ CỦA HẬU DUỆ ĐỜI THỨ 6,THỨ 7


Nhà của cháu Thao, cháu nội của liệt sĩ Nguyễn Văn Nhỡ, hậu duệ đời thứ 7.


Nhà của cháu Kính, con liệt sĩ Nguyễn Văn Đường. Bố đi bộ đội năm 1966, lúc cháu Kính được 2 tuổi và hy sinh ở chiến trường miền Nam. Kính chưa nhớ rõ mặt bố. Cháu chỉ làm ruộng và làm thêm nghề thợ mộc. Cháu làm nhà năm 2008 (45 tuổi), hoàn toàn tự lập, không phải vay mượn ai.


Nhà cháu Hồng, hâu duệ đời thứ 6 của cụ Chương. Con mương T46 này có từ khi Pháp xây dựng hệ thống thủy nông Sông Cầu, mới được cứng hóa tháng 12/2009.


Nhà của cháu Hưởng, hậu duệ đời thứ 6 gia tộc cụ Chí. Ở chính cây cầu xi măng này, bà Sải đã bị chết đói năm 1945. Đây cũng là một góc của trại Tò vò thời nay.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VUI XUÂN CANH DẦN 2010 CỦA CON CHÁU TRẠI TÒ VÒ.


Ngôi điếm cổ được xây dựng từ thời lập trại ổn định. Đã được sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng cũ trên nền và tường cũ. Tường xây bằng đá ong. Nơi tổ chức vui chơi hàng năm. Đây là nơi khai sinh các thế hệ con cháu cac đời. Ngày xưa, tất cả con trai sinh ra, ngày mùng 1 và mùng 4 tết đem một cỗ xôi, 1 con gà ra điếm cúng gọi là xôi hàng xóm, đồng thời mang một cỗ xôi, con gà đến đình làng làm lễ coi như đã được khai sinh, có xuất đinh, có ruộng.


Ngày xưa là chơi bịt mắt đập niêu, bây giờ là đập chai.


Chọi gà.


Đánh vật

.
Thi đấu cờ tướng.
Ngày xuân, cấy lúa trồng mầu đã xong, các cụ ông, cụ bà trong trại cùng con cháu tổ chức vui chơi để con cháu biết và nhớ truyền thống xưa.

DANH SÁCH CÁC LIỆT SĨ CỦA TRẠI TÒ VO:

1. Ông Nguyễn Văn Lục, sinh năm 1930, hy sinh trước ngày hòa bình năm 1954 tại Bắc Ninh.
2. Ông Nguyễn Văn Bái, sinh năm 1931, hy sinh năm 1968 tại miền Nam.
3. Ông Nguyễn Văn Nhỡ, sinh năm 1932, hy sinh năm 1966 tại miền Nam.
4. Ông Nguyễn Văn Mùi, sinh năm 1934, hy sinh năm 1968 tại miền Nam.
5. Ông Nguyễn Văn Đường, sinh năm 1938, hy sinh năm 1968 tại miền Nam.
6. Ông Nguyễn Văn Bẩy, sinh năm 1944, hy sinh 1968 tại miền Nam
7. Ông Nguyễn Văn Ân, sinh năm 1947, hy sinh 1968 tại miền Nam.
(Ông Nhỡ, ông Mùi, ông Bẩy là 3 anh em ruột)
BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG CỦA 3 LIỆT SI LÀ CỤ NGUYỄN THỊ CÔ.

Ngày 15 tháng Giêng năm Canh Dần 2010.
Có thể nói Trại Tò vò là hình ảnh thu nhỏ của nông dân, nông thôn xã Thường Thắng xưa và nay.

Anh hùng lao động Nguyễn Thị Song

Bài chuyển từ Blog Trại tò vò sang

Hơn bốn mươi năm nay, nói chính xác là 43 năm 2 tháng, từ ngày chị Nguyễn Thị Song được tuyên dương Anh hùng lao động , hôm nay tôi mới có điều kiện đến thăm chị.
Tháng 2/1967, thời ấy, tôi đang chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên – Huế, biết được chuyện chị Nguyễn Thị Song ở thôn Trung Hòa, xã Mai Trung, quê hương Hiệp Hòa mình được tuyên dương anh hùng lao động về thành tích cải tạo đất bạc mầu, trồng khoai lang. Tôi đọc trên Báo, có ảnh chị và cánh đồng khoai lang với những luống khoai thẳng tắp, mênh mông. Tôi nhớ mãi một câu chị nói mà bài báo viết lại là “bịt mắt cắt dây”. Mới đầu tôi cứ tưởng là chị lao động giỏi đến mức bịt mắt mình lại để cắt dây khoai giống mà vẫn chính xác. Sau mới hiểu, đó là kỹ thuật cắt dây khoai giống để khi trồng xuống, dây khoai nhanh ra dễ và cũng cho nhiều củ hơn. Tức là khi cắt dây khoai lang giống, hai ngón tay cầm kín mắt dây khoai, gọi là "bịt mắt", sau đó lấy dao cắt dây sát đầu ngóa tay.
Bây giờ mà nói chuyện trồng khoai lang trở thành anh hùng thì con cháu chúng ta khó mà hình dung được. Có thể họ sẽ buồn cười, không hiểu nổi tình hình thế nào mà thời ông bà, bố mẹ lại có chuyện trồng khoai lang cũng trở thành anh hùng. Đúng thế. Phải là những người ở vào độ tuổi 60 trở lên mới biết và mới hiểu được giá trị của những củ khoai lang, những cánh đồng khoai lang thời ấy. Nhất là những ai đã trải qua nạn đói đầu năm 1955 (ở quê tôi), phải ăm củ chuối thay cơm thì mới thấy hết giá trị của củ khoai lang.
Từ những năm đầu của thập kỷ 1960, ở Miền Bắc quê mình, lương thực được chia theo tiêu chuẩn, theo độ tuổi cho từng người. Ngô, khoai, sắn đều được xếp là lương thực quy ra thóc gạo. Ba ki-lô-gam khoai lang được tính bằng một ki-lô-gam gạo. Tôi còn nhớ, từ năm học 1961-1963 tôi học ở trường cấp III Ngô Sĩ Liên, thị xã Bắc Giang (bây giờ là trường PTTH – Thành phố Bắc Giang), được ăn tiêu chuẩn 13kg gạo một tháng. Trong đó được mua 10kg gạo, còn 3kg phiếu được mua 9kg khoai lang, hoặc 3kg sắn khô.
Từ năm 1960, thế hệ thanh niên chúng tôi sôi nổi với phong trào “Thanh niên tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm”. Ở nông thôn, thanh niên hăng hái tìm mọi cách để đưa năng suất lúa mầu lên, với mục đích  làm ra nhiều lương thực để không bị đói và sau này có đủ lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam . Mạnh mẽ nhất là phong trào “sạch làng tốt ruộng”, làm phân xanh cải tạo đồng ruộng. Thôn tôi liền đồng với thôn Trung Hòa, cùng tưới nước của một con mương. Đồng đất quê ta thời đó là đất bạc mầu, năng suất lúa rất thấp, trung bình chỉ đạt 40-50kg/sào. Cánh đồng tốt nhất cũng chỉ đạt 80-100kg/sào. Cây mầu, chủ yếu là cây khoai lang giữ vị trí rất quan trọng.
Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thưc nhất theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 3 của Đảng, Thôn Trung Hòa xã Mai Trung được tỉnh, huyện chỉ đạo cải tạo đất bạc mầu, đưa cây khoai lang trở thành cây lương thực có năng suất cao. Chị Nguyễn Thị Song lúc đó là một cán bộ Đoàn tích cực, một đảng viên trẻ. Chị không chỉ xông xáo trong các phong trào của thôn, của xã, trong sản xuất chị luôn có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật để đưa năng suất lên cao, đặc biệt là cây khoai lang. Cây khoai lang thời đó trồng bình thường ở quê ta chỉ thu được trên dưới 300kg/sào, ở Trung Hòa đạt đến trên 1200kg/sào. Đó chính là một kỳ tích. Huyện, tỉnh đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm từ Trung Hòa, từ Mai Trung để nhân rộng ra toàn huyện, toàn tỉnh. Cây khoai lang Trung Hòa đã đóng góp tích cực cho nhiệm vụ sản xuất lương thực của địa phương.
Tháng 1/1967, Chị Nguyễn Thị Song, bí thư chi bộ, phó Chủ nhiệm phụ trách kỹ thuật hợp tác xã Trung Hòa được chọn đi dự Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn Miền Bắc. Ngày 31/01/1967, chị được Đại hội tuyên dương danh hiệu Anh hùng lao động. Theo chị nói, đó là một bất ngờ mà chị không nghĩ tới. Đó cũng là vinh dự không của riêng chị mà là vinh dự của cả nhân dân thôn Trung Hòa, nhân dân xã Mai Trung. Nói rộng ra đó cũng là vinh dự của nhân dân huyện Hiệp Hòa. Ở chiến trường, nghe đài, đọc báo, chúng tôi cũng thấy tự hào về người anh hùng của quê hương mình.
Tôi đi qua thôn Trung Hòa nhiều lần, nhưng hôm nay tôi mới ghé thăm nhà chị. Khi tôi đến, vợ chồng chị đang tiếp đ/c Nguyễn Văn Tám, chi hội trưởng Cựu chiến binh, trao đổi với anh về công việc của chi hội. Cùng là cựu chiến binh nên chúng tôi chuyện trò với nhau rất vui. Chồng chị, anh Ngô Văn Bốn là một cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, thuộc tiểu đoàn 3, Trung đoàn 205, Sư đoàn 3 từ đầu năm 1971. Anh kể lại, anh bị thương trong một trận đánh ở đường số 7, thuộc địa phận tỉnh Bình Dương, thương tật hạng 4/4. Tháng 6/1976, anh được phục viên. Vợ chồng anh chị cùng một tuổi, mới tổ chức mừng tuổi 70 tết Canh Dần vừa rồi (tính theo tuổi đẻ của các cụ). Anh chị cho biết, khi phục viên về, anh tiếp tục tham gia công tác, làm văn phòng UBND xã nhiều năm. Chị thì công tác ở xã đến năm 1982 được nghỉ hưu, nhưng vẫn được bà con tín nhiệm bầu làm hội phó Hội người cao tuổi cho đến hết năm 2009, chị đề nghị mãi bà con mới đồng ý cho nghỉ. Chị nói với tôi, hai năm nữa chị sẽ nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Chị được kết nạp vào Đảng năm 1961, năm chị vừa tròn 20 tuổi. Vợ chồng chị đang có ý định đề nghị chi bộ cho miễn sinh hoạt. Tôi đùa vui, hai ông bà đều chưa có cái tóc bạc nào, xin miễn sinh hoạt thế nào được. Anh chị cùng cười. Chị bảo, tôi cũng có đôi sợi bạc rồi. Thật là tuyệt. Hai ông bà ở tuổi 70 mà mới có đôi sợi tóc bạc thì còn gì đẹp bằng. Tôi để ý, riêng ông thì hầu như chưa có sợi tóc bạc nào. Cả hai ông bà đều khỏe. Suốt buổi nói chuyện với tôi, anh chị không đề cập gì đến chuyện bệnh tật và không có biểu hiện mệt mỏi của tuổi già như nhiều người khác tôi thường gặp.
Vợ chồng chị có 4 người con. Con gái đâu Ngô Thị Hương, sinh năm 1966, đang làm Hiệu Phó Trường THCS xã Danh Thắng. Con trai thứ hai và hai con gái đang lao động ở Cộng hòa Séc. Con trai anh chị sang Cộng hòa Séc học nghề từ năm 1988, rồi ở lại lao động, làm dịch vụ. Sau này đã đón cả hai em gái sang cùng làm. Các cháu đều đã có gia đình.
Nhà chị, cũng như nhà của bà con thôn Trung Hòa đều là nhà ngói, nhà tầng. Đường thôn, ngõ xóm đều đã bê tông hóa, sạch sẽ, khang trang.
Tôi đã ghi lại một số hình ảnh ở gia đình chị Nguyễn Thị Song – gia đình người Anh hùng lao động và thôn Trung Hòa ngày nay, sau nửa thế kỷ đi lên theo con đường của Đảng Cộng Sản Việt Nam và Bác Hồ vĩ đại dẫn dắt, để minh chứng cho sự đổi thịt thay da của đồng đất Trung Hòa bạc mầu, của nhân dân thôn Trung Hòa nghèo khó năm xưa.

 Chân dung anh hùng Nguyễn Thị Song


Vợ chồng chị Song



Nhà chị Song


Làng xóm thôn Trung Hòa ngày nay


Đường làng

Đồng lúa quanh thôn Trung Hòa

Cụm dân cư chợ Trung Hòa

Kỷ niện 47 năm ngày cưới

Hôm nay, ngày 5 tháng 5 – ngày tết Đoan ngọ, là ngày cưới lần thứ 47 của mình. Bây giờ nhớ lại ngày cưới của mình cũng thật buồn cười. Hồi ấy, bọn mình nói đến ngày cưới thật đơn giản, cứ dửng dưng, chẳng có chuẩn bị sắm sửa gì cho ngày cưới như thế hệ trẻ bây giờ. Quần áo chẳng may, chăn màn cũng chẳng sắm.
Hôm ấy, tính theo dương lịch là ngày 25/6/1963, ngày cuối cùng mình thi tốt nghiệp cấp III, thi vấn đáp môn lịch sử. Mình thi vào tốp thứ 2, nhúp được câu hỏi về chiến thắng Điện Biên Phủ, một bài mình rất thuộc, trả lời rành rọt, mạch lạc. Cô giáo dậy lịch sử trực tiếp chấm thi, cho mình 4 điểm cộng (theo thang 5 điểm). Khoảng 9 giờ sáng thì thi xong, mình ra ga Bắc Giang lên tầu về ga Sen Hồ rồi thuê xe đạp thồ hết một đồng rưỡi về đến Thắng, đi bộ về nhà. Khoảng 12 giờ thì về đến nhà. Mọi việc cỗ bàn ở nhà bố mẹ đã lo đầy đủ. Phần thủ tục lễ cưới thì anh Mùi, anh con ông bác làm phó bi thư xã đoàn đã lo cho tất cả. Thủ tục đăng ký kết hôn thì do chú Tế, là em thuộc cháu dì cháu dà làm văn phòng UBND xã lo cho, đem về, tối tổ chức xong lễ cưới mới ký và lấy đăng ký. Bà nhà mình năm đó đang học năm cuối ở trường Trung cấp nông nghiệp tỉnh Hà Bắc. Trước ngày cưới 3 ngày, nhà trường tổ chức đi thăm quan Hải Phòng, Đồ Sơn. 9 giờ sáng hôm ấy mới lên tầu về Hà nội rồi chuyển tầu Thái Nguyên về ga Trung Giã, xuống tầu đi bộ 10km về nhà. Có  mấy chị em cùng lớp về dự đám cưới. Gần 5 giờ chiều vẫn chưa thấy về, mình đạp xe đi đón. Ra đến gần dốc Bách nhẫn thì gặp. Gần 6 giờ chiều mới về đến nhà. Nhá nhem tối, gà lên chuồng, có lẽ là hơn 7 giờ tối thì nhà trai đến đón dâu. Thủ tục đón dâu cũng rất đơn giản. Các ông, các bà nói chuyện với nhau gì đó rồi hai họ dẫn cô dâu, chú rể về nhà trai. Chẳng có hoa cài túi, hoa đón cô dâu, chụp ảnh “rườm rà” như bây giờ. Hôm ấy trời có trăng. Trăng đầu tháng. Đón dâu về đến nhà thì trăng sáng rõ. Phòng cưới dựng bằng các cây tre, mượn vỏ chăn tháo ra căng lên trên và xung quanh, kê 3 dẫy bàn ghế để hai họ ngồi. Cô dâu chú rể có một cái bàn riêng với hai cái ghế tựa, không có trang trí gì. Chủ hôn là anh Mùi- Phó bí thư xã Đoàn. Chủ hôn “tuyên bố lý do”, mời đại diện hai họ phát biểu, mời cô dâu chú rể phát biểu. Những người phát biểu đều chúc cô dâu chú rể “vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Khi mình phát biểu hình như mình cũng “hứa quyết tâm” “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đoàn, vui duyên mới không quên nhiệm vụ” gì đấy. Cô dâu không phát biểu. Hai họ nói chuyện, hát hò gần một tiếng đồng hồ thì kết thúc. Mình có anh bạn Nguyễn Yên quê ở Yên Lư huyện Yên Dũng, hai đứa cùng học với nhau từ năm lớt 8, cùng làm cán bộ đoàn. Yên làm Bí thư liên chi đoàn khối, vừa được kết nạp vào Đảng, cùng trúng tuyển bộ đội với mình, theo quyết định gọi nhập ngũ thì ngày 2/7/1963 chúng mình sẽ tập trung lên đường nhập ngũ. Hôm ấy cùng thi tốt nghiệp nhưng Yên thi sau, buổi chiều mới đi xe đạp từ Bắc Giang về nhà mình để dự đám cưới của mình. Phát biểu tại đám cưới, Yên “thay mặt chi bộ, thay mặt BCH Đoàn trường” dặn dò mình “rất oách”.
Nói về việc cưới của vợ chồng mình cũng buồn cười. Chúng mình yêu nhau từ năm mình học lớp 7, vợ mình học lớp 6. Hai nhà ở hai xóm nhưng cùng đi một đường từ nhà lên Thắng, nơi có trường cấp II duy nhất của huyện. Chúng mình thân nhau rồi yêu nhau. Nhưng nói đến chuyện cưới nhau thì chẳng biết thế nào. Tất cả là do bố mình và bà mẹ vợ mình xếp đặt, định đoạt. Không có các cụ thì không biết chúng mình có cưới nhau hay không. Cưới nhau được một tuần,cũng không nghĩ, không biết thế nào là “tuần trăng mật” như con cháu bây giờ. Đúng là “thanh niên nhà quê”, chúng mình cũng “ngố”. Ngày 2/7/1963, chúng mình đưa nhau lên Bắc Giang. Nhà mình tiếp tục đi học. Mình thì lên đường nhập ngũ, chẳng có cảm nghĩ, cảm giac gì là mới cưới vợ, cưới chồng. Sáng ngày 3/7/1963, mình tập trung tại trường Ngô Sĩ Liên nhà mình cùng một cô bạn tên là Ngân ở trường trung cấp Nông nghiệp xuống tiễn mình lên đường. Mình nhận quân trang xong, theo đội hình đơn vị ra ga Bắc Giang, lên tầu xuôi Hà Nội rồi lên Tây Bắc. Chẳng có cảm giác lưu luyến nhớ nhung gì ghê gớm cả.  Cuối năm 1963, mình được nghỉ phép từ ngày 20 tháng chạp đến ngày 10 tháng giêng năm 1964 để “đi B”. Vợ chồng mình sống với nhau 20 ngày tết đó mới là “tuần trăng mật”. Hết phép, mình lên đường vào Thanh Hóa huấn luyện “đi B”. Đáng lẽ đơn vị mình lên đường tháng 4/1963, nhưng ở Quảng Trị - Thừa Thiên địch càn lên miền núi, bị tắc đường, phải lui lại. Đơn vị có chủ trương tất cả anh em có vợ được viết thư đón vợ đến đơn vị, không được về phép. Mình viết thư về, ông cụ nhà mình thu xếp đưa nhà mình vào tận Thọ Xuân Thanh Hóa. Cụ ở lại hai hôm rồi về. Nhà mình ở lại được 15 ngày. Đơn vị có lệnh lên đường thì nhà mình về. Và vợ chồng mình có Ngọc Oanh ngày ấy.
Hôm nay, kỷ niệm ngày cưới lần thứ 47, vợ chồng mình ôn lại chuyện xưa, ghi lại đây để cho con cháu biết chuyện các cụ ngày xưa cưới xin thế nào.
Nói thêm một chút về cỗ cưới. Cỗ cưới thì thật giản đơn. Nhà trai đem sang nhà gái được 7 kg thịt, một nồi gạo (16kg), một gánh thức nấu gồm một buồng chuối xanh và bí xanh, một nồi giá đõ xanh gia đình tự ủ. Phần nhà trại thì hết nhiều hơn, chủ yếu là tốn nhiều gạo hơn vì họ đông.
Ngày ấy, may có anh cán bộ Công an cùng công tác với bố vợ mình, đem máy ảnh về chụp cho chúng mình cái ảnh hai đứa đứng ở gốc mít ngoài cổng nhà ông bà ngoại. Cảnh ấy mình chọn, bảo anh công an chụp. Bây giờ xem lại thấy cũng có ý nghĩa. Cây mít, quả mít cũng là một đặc trưng của Tết đoan ngọ MÙNG NĂM THÁNG NĂM.

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Người thầy thuốc suốt đời vì sức khỏe nhân dân



Sau khi Báo Quân đội nhân dân đăng bài “Thầy Vinh và phương pháp điều trị đặc biệt” (hiephoa.net đã đăng lại), tôi đã nhận được một số cuộc điện thoại hỏi số điện thoại của thầy thuốc Nguyễn Quang Vinh để liên hệ, hỏi thêm về một số bệnh khác thầy Vinh có chữa được không. Tôi xin thông tin thêm một số thông tin, hình ảnh bệnh nhân đã và đang điều trị để bạn đọc tham khảo.
Thầy thuốc Nguyễn Quang Vinh nói với tôi: ông có thể chữa khỏi các bệnh đau xương khớp, thần kinh, tai biến mạch máu não, Viêm xoang, Zona thần kinh. Bệnh mới phát trong vòng 2 tháng trở lại (đến càng sớm càng tốt) thì chữa được khỏi hoàn toàn. Bệnh phát đã lâu, bệnh mãn tính thì chữa khỏi được từng thời gian (tùy từng trường hợp bệnh). Khi bệnh tái phát, nếu bệnh nhân đến chữa tiếp ngay thì nhanh khỏi hơn và thời gian khỏi cũng dài hơn.
Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Khắc H. đã đăng trong bài viết (có tên, điạ chỉ cụ thê), nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, Báo QĐND không thông tin. Tôi thông tin thêm, Vợ bệnh nhân cũng là một bác sĩ đang công tác ở một bệnh viện đầu ngành tại Hà Nội. Chị đã chấp nhận đưa chồng tìm vê điều trị tại nhà thầy thuốc Nguyễn Quang Vinh và chị hoàn toàn tin tưởng. Sau khi chồng chị khỏi bệnh, vợ chồng chị trở thành người thân của gia đình thầy thuốc.
Số điện thoại của thầy thuốc nguyễn Quang Vinh: 0985 287 139
Dưới đây là một số hình ảnh
Huy chương vì sức khỏe nhân dân Bộ Trưởng Bộ Y tế tặng cho thầy thuốc Vinh năm 1999

Thầy Vinh đang chữa bệnh cho bênh nhân ở Sóc Sơn bị đau khớp gối và khớp háng đã nhiều năm; anh đã chữa ở nhiều bệnh viện không khỏi. Có bệnh viện nói phải mổ với giá 100 triệu đồng, thời gian điều trị 1 năm. Thày thuốc Vinh điều trị 3 ngày thì anh tự đi được xe máy đến điầu trị. Bệnh nhân ngồi ở giường quê ở huyện Việt Yên, bị đau cột sống, mới điều trị ngày thứ 2 đã đỡ.

Ông Hoàng Văn Khoan 79 tuổi, người bị tai biến mạch máu nãothập tử nhất sinh, được thày Vinh cứu sống 20 năm trước. Hiện ông vẫn khỏe mạnh bình thường

Anh Ngô Văn Doanh 25 tuổi, sau tai nạn xe máy được bệnh viện Việt Đức cứu sống nhưng bị liệt nửa người do chấn thương não. Đã được thày Vinh chữa khỏi hoàn toàn. Anh đã hồi phục như người bình thường.

Thày Vinh và phương pháp điều trị đặc biệt

Thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân y sĩ Nguyễn Quang Vinh đã không quản khó khăn, thử thách, tận tình vì đồng đội. Năm 1984 nghỉ hưu về địa phương, ông lại cứu chữa thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Ở tuổi 74, dù đã truyền nghề cho con gái, nhưng ông vẫn say sưa với công việc chữa bệnh cứu người. Ông sẽ còn chữa bệnh đến khi nào sức khỏe không cho phép. Đó là tâm nguyện của ông, người thầy thuốc suốt đời vì sức khỏe nhân dân...
 
Gia đình, làng xóm thường gọi ông là Vính - Nguyễn Quang Vính. Khi đi làm công nhân nhà máy Gỗ - Diêm Cầu Đuống năm 1959, bỏ dấu sắc, nên tên của ông trong hồ sơ là Nguyễn Quang Vinh. Làm công nhân một thời gian, nhà máy đã cử ông đi học lớp y tá trưởng, sau đó ông nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường B2. Ngoài nhiệm vụ cứu chữa thương binh, có giai đoạn ông còn vinh dự được tham gia chăm sóc sức khỏe Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong chiến trường. Những năm ở chiến trường, ông đã 11 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ Quyết Thắng, Chiến sĩ thi đua của Cụm điệp báo A26 thuộc J22. Năm 1977, ông được chuyển công tác về Cục 2, Bộ Tổng tham mưu cho đến lúc nghỉ hưu.
 
Thầy thuốc Nguyễn Quang Vinh chữa bệnh cho bệnh nhân tại phòng khám gia đình.
 
Về đời thường, công việc trị bệnh cứu người của người thầy thuốc vẫn khiến ông ngày đêm bận rộn với người bệnh đủ thành phần. Khởi đầu vẫn là những cán bộ, chiến sĩ, những cựu chiến binh đã biết ông, tìm đến ông để được khám và chữa bệnh. Rồi họ giới thiệu ông với những người bệnh khác. Ông ở đâu là có bệnh nhân đến với ông ở đó, dù lúc ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế hay lúc về quê ông tại thôn Cẩm Trung, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Bởi ở đâu đồng đội cũ cũng tìm đến ông, nhờ ông chữa một số bệnh hiểm nghèo.
 
Phòng điều trị của ông thật giản đơn, chỉ là một gian buồng sạch, gọn, thoáng mát với hai chiếc giường, một chiếc bàn con để các dụng cụ điều trị, một chiếc ghế để ông ngồi khi thăm khám, điều trị cho bệnh nhân. Nơi đón tiếp bệnh nhân là gian tiếp khách hằng ngày của gia đình, có đủ bàn ghế, nước uống. Khi bệnh nhân đông thì có thêm hai bộ bàn ghế đá kê ở “vườn cảnh” trước sân, có bóng mát để mọi người ngồi chờ. Bệnh nhân ở xa thì lưu trú để điều trị vài ngày. Gia đình ông có một ngôi nhà riêng dành cho những bệnh nhân lưu trú. Bệnh nhân đến với ông đều là những người đã được các bệnh viện khám, xác định bệnh, điều trị nhiều ngày, nhiều lần, thậm chí là nhiều năm không khỏi. Trừ một vài trường hợp người làng khi bị bệnh phải cấp cứu mời ông đến thăm khám, điều trị ban đầu.
 
Dụng cụ khám bệnh, điều trị của ông cũng chỉ là những dụng cụ thông thường cần thiết của một y, bác sĩ. Một cái ống nghe để đo huyết áp, nhịp tim, chẩn đoán bệnh trước khi xác định phác đồ điều trị, cùng những bộ kim châm cứu đủ các cỡ. Nếu nói là đặc biệt thì chỉ có hộp giác huyệt bằng phương pháp giác hút do một người nhà bệnh nhân tặng ông. Tủ thuốc và bơm tiêm được bảo quản riêng, khi dùng đến mới lấy ra. Thuốc điều trị của ông cũng là những thuốc thông thường, được mua từ các công ty dược. Thuốc thông thường nhưng phát huy hiệu quả lớn chính là từ phương pháp điều trị đặc biệt: tiêm thuốc trực tiếp vào các huyệt thần kinh điều hành hoạt động ở vùng bị đau. Những ca bệnh nặng, ông kết hợp châm cứu với tiêm trực tiếp vào các huyệt. Với phương pháp điều trị này, 28 năm qua kể từ khi nghỉ hưu, thầy thuốc Nguyễn Quang Vinh đã điều trị cho hàng nghìn người khỏi bệnh. Trong đó có những ca bệnh hiểm nghèo thập tử nhất sinh đã được ông cứu sống.
 
Đó là trường hợp ông Hoàng Văn Khoan, 79 tuổi, ở xóm Đống Cao, cùng thôn Cẩm Trung cùng quê với thầy thuốc Vinh. Năm 1992, ông Khoan bị xuất huyết não. Người nhà gọi ông đến cấp cứu. Tình trạng ông Khoan lúc đó đồng tử đã giãn, miệng há to như đang thở hắt ra, mạch gần như không còn. Ông vẫn bình tĩnh tận tình cứu chữa. Sau mũi thuốc cấp cứu đầu tiên, ông Khoan hồi lại, đồng tử đỡ giãn, miệng có cử động. Ông Vinh khẩn trương làm tất cả những động tác cấp cứu đối với người bị tai biến mạch máu não. Sau hơn một tiếng đồng hồ, ông Khoan hồi lại, nhịp tim, nhịp thở dần trở lại. Ông tiếp tục điều trị, một tuần sau thì ông Khoan hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng gì. Đến nay đã 20 năm, ông Khoan - người được thầy thuốc Nguyễn Quang Vinh cấp cứu dạo ấy vẫn sống khỏe mạnh cùng con, cháu, chắt và vẫn giúp con cháu nhiều việc trong nhà.
 
Trong cuốn sổ ghi chép hàng trăm bệnh nhân của ông, có bệnh nhân Nguyễn Khắc H., là cán bộ quân đội bị đau hơi khác thường, mỗi lần lên cơn đau anh thường bị co quắp toàn thân. Bệnh viện đầu ngành của quân đội chẩn đoán anh bị bệnh Zona thần kinh, khó điều trị. Nhờ một người bạn giới thiệu, vợ anh đã đưa anh đến với thầy thuốc Nguyễn Quang Vinh. Sau khi thăm khám, ông Vinh xác định anh H. bị Zona thần kinh “ăn vào trong”, quyết định phác đồ điều trị Zona thần kinh “thể âm”. Ngay từ ngày điều trị đầu tiên, anh H. đã thấy dễ chịu. Một điều kỳ diệu là chỉ điều trị có 6 ngày, anh H. đã khỏi bệnh hoàn toàn, trở về đơn vị tiếp tục công tác. Hơn hai năm nay, sức khỏe của anh không có biến động gì. Sau khi điều trị khỏi bệnh, anh Nguyễn Khắc H. trở thành người thân của gia đình thầy thuốc Nguyễn Quang Vinh.
 
Anh Ngô Văn Doanh, 25 tuổi, ở xóm Gia Cao, thôn Cẩm Trang bị tai nạn xe máy nghiêm trọng, đã được Bệnh viện Việt Đức cứu sống, nhưng bị liệt và mất trí nhớ. Hoàn cảnh gia đình Doanh rất éo le. Bố bị bệnh ung thư vừa mới mất. Gia đình chỉ có một mình Doanh là con trai. Doanh đang làm công nhân cơ khí ở Bắc Ninh, chưa lấy vợ. Thấy Doanh bị liệt, gia đình rất lo, buồn. Là ông bác họ xa, thầy thuốc Nguyễn Quang Vinh đến thăm Doanh, trao đổi với gia đình để ông điều trị cho cháu. Gia đình nghe ông. Hằng ngày, cứ 5 giờ, người nhà anh Doanh đón ông đến điều trị cho anh. Điều trị xong lại đưa ông về để kịp điều trị cho các bệnh nhân khác. Cũng chỉ bằng phương pháp tiêm thuốc trực tiếp vào các huyệt, kết hợp với châm cứu, ông chỉ điều trị trong 12 ngày anh Doanh đã hồi phục, đi lại được. Toàn bộ tiền thuốc điều trị chỉ hết 500 nghìn đồng. Gia đình vô cùng phấn khởi, anh Doanh tiếp tục bồi dưỡng, luyện tập theo hướng dẫn, đến nay đã hồi phục hoàn toàn.
 
Với hàng nghìn người bệnh được thầy thuốc Nguyễn Quang Vinh điều trị khỏi bệnh, mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người là một câu chuyện ly kỳ, không thể kể hết. Chính tôi, người viết bài này cũng là bệnh nhân vừa được thầy thuốc Nguyễn Quang Vinh chữa khỏi bệnh chân bị tê hai năm nay. Ngày ấy là vào đầu năm 2011, tôi bị tê hai chân, đã đi các bệnh viện điều trị, không khỏi. Ngày 14-9-2012 vừa rồi, tôi đến nhà thầy thuốc Nguyễn Quang Vinh điều trị. Ông chẩn đoán tôi bị đau thần kinh tọa. Ông điều trị cho tôi mất 8 ngày. Từ hai chân bị tê nặng, ban đêm nằm ngủ thường bị chuột rút, không đêm nào ngủ được yên giấc. Sau khi điều trị, cả hai chân tôi đã hết tê, khỏi hoàn toàn...
 
Tâm sự với chúng tôi ông nói: Ông sẽ còn làm việc, chữa bệnh cứu người. Đến khi nào tuổi tác, sức khỏe không cho phép nữa, ông mới phải dừng. Đó là tâm nguyện của ông - tâm nguyện của một người thầy thuốc suốt đời vì sức khỏe nhân dân. Ông xứng đáng với tấm Huy chương “Vì sức khỏe nhân dân” được Bộ Y tế tặng năm 1999. Riêng tôi, tôi cảm nhận ông thực sự là một tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.