Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Sự nguy hiểm của bệnh tiểu đường biến chứng



Sự nguy hiểm của bệnh tiểu đường biến chứng

Số người bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường) hiện nay khá nhiều. Rất nhiều người bị bệnh đã hàng chục năm mà chưa có biến chứng gì, đó là điều rất đáng mừng. Tôi mới bị bệnh hơn 2 năm nay, mức đường huyết xét nghiệm hàng tháng không cao lắm, thường chỉ ở mức trên dưới 8,0, có đợt chỉ ở mức dưới 7,0 nhưng lại đã bị biến chứng khá nghiêm trọng.
Bệnh tiểu đường biến chứng thì tôi đã nghe nói và đọc một số bài trên các báo. Nhưng nó biến chứng cụ thể, nguy hiểm đến mức nào thì chỉ từ khi đến điều trị ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương tôi mới hiểu thực sự.
Từ khi phát hiện bị bệnh đái tháo đường, tôi liên tiếp bị các bệnh, từ tê bì hai chân, tê phù hai chân, viêm tắc tĩnh mạch, mờ mắt, rối loạn nhịp tim, thoái hóa khớp gối, dây chằng, gân cả hai chân, sút cân đến mức teo cơ; sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhất là từ tháng 10 năm 2012, tôi liên tục phải điều trị các bệnh, từ bệnh xá xã, bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh đến bệnh viện trung ương; chữa bằng thuốc Đông y... Qua điều trị, một số bệnh cũng khỏi, nhưng được một thời gian lại tái phát. Một số bác sĩ có bảo là tôi bị biến chứng của bệnh tiểu đường, chỉ có cách là sống chung với nó. Nhưng điều trị thế nào để sống chung được với nó suốt đời thì lại không được hướng dẫn hoặc áp dụng trong điều trị. Hàng tháng tôi vẫn được bệnh viện huyện Hiệp Hòa khám, cấp thuốc điều trị với những loại thuốc tốt mà bệnh viện có, đủ liều lượng. Tôi vẫn uống thuốc, ăn uống, vận động theo hướng dẫn của bệnh viện và kinh nghiệm của bạn bè.
Từ tháng 2/2013, hai mu bàn chân tôi mọc hai cái mụn nhỏ nhưng vùng mưng mủ thì rộng đến 10cm2 mà không đau nhức. Tôi đã tự bóp mủ, dùng kháng sinh rửa, bôi, uống đến 2 tháng mà không khỏi. Cuối tháng 4/2013, tôi thấy ở trong da gầm bàn chân xuất hiện có bọng nước, có dấu hiệu nguy hiểm. Tôi đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương để khám. Nhìn chân tôi, bác sĩ phòng khám bảo tôi phải vào viện điều trị ngay, không thì nguy hiểm. Tôi đăng ký vào viện điều trị ngay.
Những ngày nằm điều trị, nhất là từ hôm được bác sĩ khoa chăm sóc bàn chân mổ, rửa mụn ở chân tôi, được chứng kiến những bệnh nhân bị cắt chân, người bị cắt 1-2 ngón, người bị cắt nửa bàn chân, người bị cắt đến ngang dóng chân… tôi mới rùng mình thấy hết sự nguy hiểm của bệnh tiểu đường biến chứng. Đây mói chỉ là dạng biến chứng ở bàn chân. Còn nhiều dạng biến chứng khác ở tim mạch, phổi, thận, răng, mắt… còn nguy hiểm hơn. Biến chứng vào mắt có thể bị mù. Biến chứng vào tim mạch có thể bị tai biến, đột quỵ, dẫn đến tử vong… Biến chứng nào không được điều trị kịp thời đều có thể bị tử vong, nguy hiểm không kém gì bệnh ung thư. Điều trị kịp thời, giữ gìn, ăn uống đúng cách, sinh hoạt điều độ theo hướng dẫn của bác sĩ thì có thể chung sống với bệnh tiểu đường đến tận tuổi già. Không kể những trường hợp không biết, khi bệnh biến chứng đến bệnh viện mới biết mình bị bệnh tiểu đường nên bị hậu quả nghiêm trọng. Từ hôm ra viện, tôi đã thực hiện đúng y lệnh của BS để giữ gìn sức khỏe lâu dài.
Có lẽ không ít người cũng như tôi, có bệnh đấy, hàng tháng vẫn đến bệnh viện huyện khám, nhận thuốc điều trị; nghe nói, đọc báo đấy; nhưng hiểu về sự nguy hiểm của bệnh tiểu đường biến chứng thì còn hạn chế.
Những ngày điều trị ở bệnh viện, tôi đã xin phép các bác sĩ cho tôi chụp một số ảnh bệnh nhân tiểu đường biến chứng bị cắt chân và hoạt động của bệnh viện để viết bài giới thiệu với bạn đọc, với các bệnh nhân tiểu đường để mọi người tham khảo. Theo lời khuyên của các bác sĩ và nhận biết của tôi, tất cả bệnh nhân tiểu đường, dù bị bệnh đã lâu hay mới, khi mắc bất cứ bệnh gì ngoài bệnh tiểu đường đều nên đến bệnh viên, tốt nhất là nên đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám để được tư vấn hoặc điều trị. Những người khác nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 2 lần một năm để phát hiện sớm bệnh tiểu đường cũng như những bệnh khác, để điều trị kịp thời, bảo đảm sức khỏe cho chính mình.
Dưới đây là một số hình ảnh tôi đã chụp ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương (cơ sở ở Thanh Trì).