Từ mấy tháng nay tôi đọc được nhiều bài viết của các nhà giáo, các cựu học sinh trường THCS xã Đức Thắng, chính là trường cấp hai Hiệp Hòa xưa, nói về truyền thống 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của trường. Tôi cũng là một cựu học sinh khóa 1957 - 1960 của nhà trường. Đọc các bài viết lại dậy lên trong tôi tình cảm gắn bó với mái trường cấp hai Hiệp Hòa thân yêu thời ấy. Ở mái trường này, trong sự học hành, tôi có cả tình thầy trò, tình bạn bè, tình yêu tuổi trẻ. Tôi muốn viết một bài nói về mái trường xưa góp cùng với các bạn xây dựng truyền thống của trường mà nghĩ mãi không biết viết thế nào, viết cái gì. Tình cờ tôi tìm thấy tấm ảnh tập thể lớp 6A, khóa 1958 – 1961 của nhà tôi lưu giữ. Bức ảnh đã gợi lại trong tôi nhiều kỷ niệm về thời học trò vô tư, về trường cấp hai Hiệp Hòa thân yêu.
Có lẽ tuổi học trò thì thời nào cũng vậy, khi bước vào trường mới bao giờ cũng có những bỡ ngỡ ban đầu với việc làm quen với bạn mới, bạn cùng bàn, bạn cùng lớp. Nhưng rồi một tuần, hai tuần, ba tuần… qua đi thì những bỡ ngỡ ban đầu cũng đi theo. Một tập thể bạn bè lại gắn bó với nhau trong một lớp, một khối, một trường cho đến khi học xong cấp học, chia tay nhau, đem theo mối tình “đồng môn”, “đồng khóa” đến suốt cuộc đời.
Thời chúng tôi vào lớp 5 (lớp đầu cấp II thời ấy) đều đã lớn tuổi hơn học sinh THCS bây giờ. Có đến hơn phần nửa số học sinh đã là đoàn viên, thậm chí có bạn đã có gia đình riêng, song vẫn mang cái sôi nổi, cái tinh nghịch của tuổi học trò chỉ xếp sau có “quỷ” và “ma”.
Trường lớp hồi đó thì thật đơn sơ, tất cả đều là nhà tranh, vách đất. Mỗi lớp là một ngôi nhà ba gian làm bằng tre vầu, lợp lá cọ. Tường nhà cũng là những cây vầu nhó, chẻ đôi cây cắmm đứng, cây buộc ngang thành những ô vuông 10 x 10 cm, lấy đất trộn với rơm nhét qua những lỗ ô vuông đó rồi miết, xoa liền với nhau thành tường. Nhân dân ta thường gọi là tường vách. Mỗi lớp học chỉ để một cửa ra vào ở một gian đầu nhìn ra sân trường. Mỗi gian có 2 cửa sổ. Phía trước là một cửa đi, 2 cửa sổ. Phía sau là 3 cửa sổ. Đầu đốc cuối lớp để một cửa sổ. Cánh cửa đi, cánh cửa sổ đầu làm bằng phên nứa, sau được thay dần bằng ván ghép. Cánh cửa sổ thường là dùng que chống lên khi mở ra. Hết giờ học thì tổ trực nhật rút que, hạ cửa xuống để buộc lại. Mái hiên chạy chung quanh lớp rộng chừng một mét để chống mưa hắt vào lớp. Bên trên mái lá cọ có một phên chống bão bằng những thanh tre dài suốt mái, đan thành những ô vuông cỡ 40 x 40cm. được đè sát xuống mái lá cọ bằng 4 vì kèo tre to để cả cây, đầu dưới gắn với 2 cọc tre đóng gìm xuống đất để chống bão.
Trường có 3 dẫy lớp. Từ cổng vào, phía bên phải là dẫy lớp 5 và lớp 7. Phía bên trái là dẫy lớp 6 và phòng thí nghiệm. Dẫy lớp 5 và lớp 6 nhìn ra sân trường. Dẫy lớp 7 đối diện với phòng thí nghiệm qua nhà văn phòng nhưng xây theo hướng nhà văn phòng. Trên cùng, ở chính giữa khuôn viên trường là nhà văn phòng, nhìn thẳng ra cổng trường. Hai gian ở 2 đầu nhà văn phòng là phòng Hiệu trưởng và Hiệu phó. Riêng phòng thí nghiệm và nhà văn phòng được xây bằng gạch, lợp ngói sông cầu.
Phía trước nhà văn phòng là bục sân khấu đắp bằng đất, cao khoảng 70 – 80 cm. Sát phía sau bục sân khấu là cột cờ. Trước các lớp là những cây bàng, cây sà cừ non, gốc mới to bằng bắp chân, bắp tay. Chung quanh trường có tường bao được đắp bằng đất, do học sinh các lớp đắp vào những buổi lao động hàng tuần.
Bây giờ mà kể lại hình ảnh trường lớp ngày xưa, chắc các em học sinh sẽ cho là “chuyện cổ tích”. Các em khó có thể hình dung được. Tấm ảnh lớp 6A khóa 1958 – 1961 là một minh chứng về hình ảnh nhà trường thời đó. Tôi xin gửi để nhà trường làm tư liệu truyền thống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét