Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Thắm lại lương y Ngô Duy Bẩy

Thăm lại lương y Ngô Duy Bẩy

Từ khi chữa khỏi bệnh, đã hơn hai năm, hôm nay tôi mới có dịp thăm lại lương y Ngô Duy Bẩy. Chiều nay trời nắng, ngày nắng đầu tiên sau hơn một tháng trời âm u, mưa dầm dề làm thui cả nửa mùa hoa vải sớm, đường đi đã khô ráo, tiện công việi đi qua làng Đại Mão, xã Đại Thành, tôi ghé vào thăm gia đình lương y. Khi tôi đến nhà, lương y Ngô Duy Bẩy đang bốc thuốc cho bệnh nhân. Lúc này chỉ có hai bệnh nhân nữ. Chào hỏi nhau xong, tôi ngồi nói chuyện với hai bệnh nhân. Qua câu chuyện tôi được biết, hai chị quê ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Chị lớn tuổi hơn là mợ, bị đau cứng lưng và chân phải, uống thuốc một đợt, cơ bản đã khỏi, hôm nay đến cắt thêm đợt thuộc nữa để uống cho khỏi hẳn. Chị con gái trẻ là cháu, bị đau tê chân tay, đau đùi gối, hôm nay đến cắt thuốc lần đầu.
Gói thuốc xong cho khách, lương y Ngô Duy Bẩy rửa tay pha nước mời chúng tôi. Chúng tôi uống chưa xong chén nước thì lại có bệnh nhân đến. Hai bệnh nhân nữ quê ở Phú Bình, Thái Nguyên thanh toán tiền cho lương y rồi ra về. Bệnh nhân mới đến là một người quen vì đã chữa bệnh ở đây nhiều lần, nhà ở ngay dốc Bách Nhẫn, cách nhà lương y chừng 4km. Chúng tôi  nói chuyện làm quen. Anh cho tôi biết, anh tên Thúy, 68 tuổi, bị nhiều bệnh đã mấy năm nay, đã đi điều trị ở nhiều bệnh viện tuyến trên. Anh uống thuốc của lương y Ngô Du Bẩy, bệnh cơ bản đã khỏi, khá ổn định. Lần này anh bị thoát vị đĩa đệm, đau cứng cả lưng và chân phải. Anh uống thuốc đã đỡ. Lưng và chân đã hoạt động được bình thường. Hôm nay anh đến cắt đợt thuôc nữa uống tiếp. Anh đến đây bằng chiếc Hon đa 81. Anh vui tính, hay làm thơ và có tài xuất khẩu thành thơ. Anh đã có 5 bài thơ tặng lương y Ngô Duy Bẩy sau khi anh được chữa khỏi bệnh.
Sau mấy câu chuyện, lương y Ngô Duy Bẩy tranh thủ xem mạch, cắt thuốc cho anh Thúy vì chiều cũng đã muộn. Tôi ngồi xem quyển sổ ghi danh sách bệnh nhân đã điều trị tại đây của lương y ngô Duy Bẩy.
Quyển sổ tôi xem là quyển số 31, một quyển sổ dầy đến vài trăm trang. Sổ bắt đầu ghi từ ngày 24/8/2013. Tôi xem qua rồi đếm số bệnh nhân ghi trong sổ. Từ ngày 24/8/2013 đến hết năm 2013, tôi đếm được 472 bệnh nhân. Từ ngày 1/1/2014, đến hôm nay, 25/3/2014, tôi đếm được 312 bệnh nhân, chưa kể ông Thúy đang khám bệnh. Tính ra trong 7 tháng, đã có 784 bệnh nhân đến đây cắt thuốc điều trị. Nếu tính số lượt bệnh nhân thì gấp 2, gấp 3 lần, vì mỗi người chỉ ghi tên một lần, những lần sau chỉ ghi tiếp ngày cắt thuốc, biểu hiện bệnh, số thuốc cắt. Người ít thì cắt thuốc 2 lần, người nhiều thì cắt 4 lần. Những bệnh nhân cảm cúm, sốt vi rút, mua một gói thuốc thì không ghi vào sổ.
Bẩy tháng, gần 800 bệnh nhân đến cắt thuốc điều trị với một cơ sở chữa bệnh bằng thuốc Đông y ở sâu trong một ngôi làng hẻo lánh ven đê sông Cầu, không biển hiệu, không mặt đường thì là một con số rất đáng ghi nhận. Điều đặc biệt là số bệnh nhân được ghi tên theo dõi trong sổ này đều là những người bị bệnh mãn tính. Có những người đã được điều trị ở các bệnh viện tuyến trên cùng. Đến đây điều trị coi như là “bệnh viện tuyến cuối”, còn nước còn tát. Tôi nói như vậy không phải là không có cơ sở.
Sau khi khám, cắt thuốc cho bệnh nhân Nguyễn Văn Thúy xong, lương y Ngô Duy Bẩy mới có thời gian ngồi nói chuyện với tôi. Anh cho tôi biết, trong hai năm qua cũng có nhiều ca bệnh đặc biệt. Anh đã kể cho tôi nghe một số ca cụ thể.
Chị Hoàng Thị Phượng, 56 tuổi, quê ở tận tỉnh Cà Mau, cuối nước Việt Nam, bị bệnh viêm xoang, đau đầu, viêm cầu thận mãn. Chị đã điều trị ở nhiều nơi nhưng bệnh chỉ hạn chế, không khỏi. Chồng chị là anh Mai Ngọc Thanh, công tác ở Sở xây dựng tỉnh Cà Mau. Anh được người bạn đọc được thông tin trên trang thông tin hiephoa.net biết về lương y Ngô Duy Bẩy chữa bệnh viêm cầu thận rất hiệu quả. Lần ra Hà Nội làm việc, anh cho chị cùng đi, đưa chị đến nhà lương y Ngô Duy Bẩy cắt thuốc. Anh chị cắt 10 thang thuốc. Trong thời gian 7 ngày anh làm việc ở Hà Nội, chị sắc thuốc, uống hết cả 10 thang thuốc. Bệnh giảm. Trước khi về Cà Mau, anh chị đến cắt 20 thang thuốc đem về nhà uống. Hết 20 thang, anh chị gọi điện, gửi tiền nhờ lương y Ngô Duy Bẩy cắt 20 thang thuốc nữa gửi qua bưu điện vào cho anh chị. Bệnh khỏi, anh chị điện ra thông báo, không phải cắt thuốc nữa.
Anh Hà Đình Trắc, 50 tuổi, ở Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội, bị bệnh u đại tràng, đã xạ trị ở bệnh viện. Anh Trắc đến cắt thuốc về uống một thời gian, bệnh ổn định, đã đi làm trở lại được.
Ông Nguyễn Văn Miên, 68 tuổi, quê ở xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, Bắc Giang; trước là Thượng tá lái máy bay MIC24 nghỉ hưu; bị bệnh thoát vị đĩa đệm, đau nhức, tê chân phải. Ông Miên cắt thuốc uống 3 đợt, từ ngày 3/12/2013 đến ngày 3/1/2014, chân đã hết đau, ổn định. Hiện nay ông Miên đang cắt thuốc điều trị bệnh đau dạ dầy, tổn thương đại tràng.
Ông Nguyễn Xuân Chỉ, 74 tuổi, ở xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang; bị tê liệt toàn thân do di chứng viêm màng não. Ông Chỉ bị bệnh đau đầu từ tháng 4/2013, điều trị ở địa phương không khỏi. Gia đình đã đưa đi điều trị ở bệnh viên Bạch Mai. Bệnh viện phát hiện ông bị viêm màng não, đã điều trị cho ông hết đau đầu rồi cấp thuốc về nhà điều tri. Ông đã uống hết thuốc nhưng vẫn bị liệt toàn thân. Ngày 9/3/2014, gia đình đưa ông đến khám, cắt thuốc rồi nhờ một nhà hàng xóm ở gần để lương y Ngô Duy Bẩy điều trị hàng ngày. Hôm mới đến, ông Chỉ liệt toàn thân, không nói được. Hàng ngày gia đình sắc thuộc cho ông uống, 4 giờ chiều lương y Bầy đến châm cứu cho ông.
Chúng tôi đang nói chuyện thì có một bà hàng xom đến cắt thuốc cho con trai bị ho, đau người. Tôi xem đồng hồ đã 5 giờ 15 phút chiều. Hôm nay trời nắng nên trời còn sáng.
Cắt thuốc xong cho khách, lương ý Ngô Duy Bẩy lấy đồ nghề đi châm cứu cho bệnh nhân Chỉ, ở cách nhà anh chừng 100 mét. Tôi bảo anh cho tôi đi cùng để trực tiếp gặp bệnh nhân. Chúng tôi đến thấy ông Chỉ đang ngồi trên một chiếc ghế nhựa ở cửa nhà. Anh con trai ông cho biết, có một ông hàng xóm đến hỏi thăm vừa mới về. Anh phấn khởi nói, hôm nay cháu dìu bố cháu đi, bố cháu đã nhắc được chân. Chiều nay bố cháu đã nói được mấy câu với ông hàng xóm rất rõ. Toàn nói chuyện thời đi thanh niên xung phong đánh Mỹ. Tôi hỏi anh, nhà ở tận Lục Ngạn, làm sao biết ông Bẩy chữa được bệnh mà đưa bố anh đến điều trị. Anh cho biết, quê chính anh ở ngay thôn Hương Ninh, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa gần đây. Gia đình anh chuyển lên xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn năm 1985. Người nhà anh đã được ông Bẩy chữa khỏi bệnh cho biết.
Xem đồng hồ thấy đã gần 6 giờ chiều, mọi hôm ở nhà giờ này tôi đã chuẩn bị ăn cơm tối. Tôi chào lương y Ngô Duy Bẩy và bố con ông Chỉ để về kẻo tối.
Dưới đây là một số ảnh tôi chụp lương y Ngô Duy Bẩy đang khám bệnh, bốc thuốc và bệnh nhân Nguyễn Xuân Chỉ.

Rút kinh nghiệm lần trước, sau khi tôi viết bài về lương y Ngô Duy Bẩy, hiephoa.net đăng, nhiều người ở khắp nơi gọi điện hỏi tôi về địa chỉ của lương y. Lần này tôi xin thông tin địa chỉ của lương y Ngô Duy Bẩy như sau: thôn Đại Mão, xã Đại Thành, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Điện thoại di động: 0123 4731 388.


Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Nhớ thời tuổi trẻ

 Nhớ thời tuổi trẻ

Sắp đến ngày 26 tháng 3, ngày truyền thống của các thế hệ đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Xem thông tin về hoạt động Tháng Thanh niên của tuổi trẻ khắp nơi, tuổi trẻ huyện Hiệp Hòa, tôi lại nhớ thời tuổi trẻ của mình và thế hệ thanh niên những năm 1960 của thế kỷ XX.
Hè năm 1960, 18 tuổi, học xong lớp 7 (7/10), tôi được kết nạp vào Đoàn tại chi đoàn xã Thường Thắng (hồi đó gọi là xã Chiến Thắng).
Những năm đó, tổ chức Đoàn ở xã mới phát triển. Cả xã mới chỉ là một chi đoàn. Ở các thôn là phân đoàn. Số đoàn viên cũng chưa nhiều, chủ yếu là thanh niên, nhưng hoạt động rất sôi nổi. Thanh niên chúng tôi có chí hướng phấn đấu trở thành đoàn viên rất cao. Hàng tuần gần như tối nào phân đoàn cũng sinh hoạt, học hát, học múa, dậy bổ túc văn hóa cho lớp học của thôn...
Đoàn Thanh niên có phong trào thi đua “Vượt mức kế hoạch 5 năm”. Chỉ tiêu thi đua rất cụ thể. Phân đoàn thanh niên làm nòng cốt trong các phong trào của đội sản xuất, đảm nhiệm các công việc nặng như đi cày, gánh phân, làm phân xanh, làm thủy lợi, làm các thí nghiệm. Tôi nhớ mãi hai việc thí nghiệm là cho lợn ăn phân trâu và cấy dầy. Chúng tôi hay hát bài “Ai bảo rằng cấy thưa thừa thóc, cấy dầy cóc ăn. Riêng tôi bảo rằng cấy thưa thừa đất, cấy dầy thóc chất đầy kho…”.
Phân đoàn xóm Tam Sơn chúng tôi được đội sản xuât giao cho một sào ruộng ở liền ngay bờ sông. Chúng tôi tập trung lấy bùm sông rải lên một lượt dầy đến 20cm, cấy dầy 5cm x 5cm một gốc. Lúa lên xít vào nhau như lúa reo thẳng bây giờ, đẻ ít nhánh, dé dài hơn, nhưng năng suất thì không hơn bao nhiêu so với ruộng cấy theo cách cũ của bà con 30cm x 30cm (hoặc thưa hơn). So với ruộng cấy mật độ 20 x 20cm thì năng xuất có phần còn kém hơn. Sau này HTX chỉ đạo cấy 20 x 20cm. Đi cấy phải chăng dây để cấy cho thẳng hàng. Những năm sau, có phong trào làm bèo hoa dâu, tăng cường làm phân xanh, lại có thêm phân đạm thì cấy 20cm x 15cm hoặc 15 x 15cm. Việc cho lợn ăn phân trâu giao cho một số đoàn viên làm thử nhưng không thành. Nhân dân không ai áp dụng.
Chi đoàn phát động phong trào làm phân xanh với khẩu hiệu “sạch làng tốt ruộng”. Mỗi vụ,  mỗi thanh niên phải làm được 1 tấn phân xanh ủ mục. Thường thường vào các buổi trưa mùa hè, chúng tôi rủ nhau đi cắt lá phân xanh. Hồi đó, bờ bụi, đồi bãi hoang hóa còn nhiều. Phân đoàn chúng tôi chia thành nhóm, tập trung làm cho từng người, chỉ một hoặc hai buổi trưa là ủ xong một đống phân xanh đủ chỉ tiêu cho một người.
Tôi đi học buổi sáng ở trường cấp 2 Hiệp Hòa (trường THCS Đức Thắng bây giờ). Buổi chiều về và ngày chủ nhật thì đi lao động với hợp tác xã (HTX). Năm 1959, 17 tuổi, vừa đi học, tôi vẫn làm được 340 ngày công. Có ngày đi gành phân, tôi đạt được đến 4 công. Sang học kỳ 2 năm học lớp 7, tôi mới tập trung cho học tập để thi tốt nghiệp và thi lên cấp 3. Tôi học cũng được, thi đỗ cả hai trường: cấp 3 Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang và Trung cấp sư phạm Đạo Ngạn. Thế mà chi đoàn trường cấp 2 không kết nạp tôi vào Đoàn, vì năm học lớp 6 tôi chỉ đạt thành tích trung bình. Hồi đó, Đoàn thử thách thanh niên để kết nạp vào Đoàn khá khắt khe.
Vào năm học mới, khóa 1960 – 1961, tôi làm thủ tục đăng ký nhập học ở trường Ngô Sĩ Liên xong, lại xuống trường sư phạm Đạo Ngạn nhập học. Học được một tuần tôi lại bỏ, trở về Ngô Sĩ Liên học.
Khi tổ chức các lớp ổn định, tôi được bầu vào BCH chi đoàn lớp 8D. Lên lớp 9D, lớp 10D tôi vẫn được bầu vào BCH chi đoàn lớp. Cuối năm lớp 9, tôi được đi học lớp cảm tình Đảng (bây giờ là lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng). Nhưng kỳ I năm học lớp 10 tôi bị bệnh đau đầu kéo dài đến 2 tháng nên học sút hẳn, chi đạt mức trung bình. Trong số 2 bạn được chọn đi học lớp cảm tình Đảng cùng với tôi ở lớp 9D, chỉ có Nguyễn Yên, bí thư chi đoàn, phó Bí thư BCH Đoàn khối, ủy viên BCH Đoàn Trường được kết nạp vào Đảng.
Tốt nghiệp lớp 10 (10/10), tôi trúng tuyển vào bộ đội. Ngày 7/3/1963 tôi nhập ngũ cùng với hơn 100 các bạn học sinh trường Ngô Sĩ Liên. Cả tỉnh có hơn 500 học sinh cấp 2 - 3 và giáo viên cấp 2 được gọi nhập ngũ đợt ấy. Cùng với lý lịch đoàn viên, tôi còn có giấy giới thiệu cảm tình Đảng của chi bộ Trường cấp 3 Ngô Sĩ Liên.
Sau hai tháng huấn luyện tân binh ở tiểu đoàn 5, Lữ đoàn 335, Quân khu Tây Bắc, tôi cùng một số bạn được biên chế về Đại đội 42, F335. Tiểu đội tôi có 8 chiến sĩ mới thì 5 người học hết lớp 10, 2 người học hết lớp 9 đều ở Trường cấp 3 Ngô Sĩ Liên; 1 học lớp 8 ở Cao Bằng là con Đại tá Lê Thùy, Lữ đoàn Trưởng. Trong huấn luyện chúng tôi đều đạt loại giỏi, chỉ có 1 người đạt loại khá.
Sau 3 tháng huấn luyện chuyên môn về đo đạc pháo binh ở Đại đội 42, tôi được chọn đi B, do tôi là cảm tình Đảng, gia đình lại có 2 anh đi bộ đội chống Pháp, là đảng viên. Trong số hơn 500 chiến sĩ nhập ngũ đợt 3/7/1963 bổ xung vào F335, chỉ có 2 người, tôi và Ngô Luân có bố là cán bộ kiểm tra Tỉnh ủy Hà Bắc được chọn đi B đợt ấy.
Giữa tháng 11/1963, chúng tôi được điều về Tiểu đoàn Điện Biên, Quân khu Tây Bắc chi viện cho chiến trường miện Nam. Ổn định tổ chức xong, cả tiểu đoàn chúng tôi được nghỉ phép, về nhà ăn tết. Sau tết, chúng tôi trở lại đơn vị, chuyển vào huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa để huần luyện đi B.
Tháng 4/1964, đơn vị chúng tôi chính thức hành quân vào Nam chiến đấu. Tháng 6/1964, đơn vị tôi vào đến chiến trường Trị - Thiên. Đại đội tôi được bổ xung xây dựng Đại đội trinh sát của Quân khu. Sau 3 tháng huần luyện nghiệp vụ trinh sát, chúng tôi được phân chia đi làm nhiệm vụ ở các địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Tôi được phân công đi với tổ đài quan sát sân bay A Lưới. Vừa làm nhiệm vụ trinh sát, vừa huấn luyện chuẩn bị bàn giao đài quan sát này cho đội du kích của Hồ Vai (sau này là anh hùng LLVTND).
Tháng 12/1964, tôi được điều động về huyện đội huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ngày 20/12/1964, tôi về đến huyện đội. Qua 1 đợt đi chiến đấu cùng với tiểu đội vũ trang của huyện, ngày 18/1/1965, tôi được kết nạp vào Đảng (Đảng Nhân dân Cách mạng miềm Nam Việt Nam – thực chất là Đảng bộ miền Nam của Đảng CSVN)…
Bây giờ tuổi đã cao. Mỗi năm cứ đến ngày 26 tháng 3, nghe các hoạt động của thanh niên, tôi lại nhớ đến thời tuổi trẻ của mình và thế hệ thanh niên lớp chúng tôi khi phấn đấu vào Đoàn, vào Đảng.
Cảnh hưu nhàn tản, kể chuyện dông dài, mong được góp vui cùng các bạn trẻ trong Tháng thanh niên kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26/3.