Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Nhân dân thôn Hiệp Đồng hiến đất làm đường

Năm 2013 là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Thường Thắng lần thứ XXI nhiệm kỳ 2010-2015, sau 3 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, tình hình kinh tế địa phương có nhiều khởi sắc được nhân dân đánh giá cao, các thôn cơ bản hoàn thành việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn, điển hình như: thôn Tân Hiệp, Trong Làng, Đồng Tâm, Hồng Phong, Khúc Bánh, Tiến Bộ, Tân Tiến...đã bê tông hóa  100% các tuyến đường trong thôn tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân đi lại và hoạt động lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế gia đình và làm giầu cho quê hương.  
 
Trong những tháng cuối năm 2013, hòa chung với không khí của cả nước thi đua lập thành tích chào mừng 83 năm ngày Hội đại đoàn kết toàn dân(18/11). Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy-HĐND-UBND xã Thường Thắng về việc tiếp tục nâng cấp, cải tạo, mở rộng các tuyến đường ngõ trong thôn đã xuống cấp nghiêm trọng, vừa nhỏ, chật hẹp lại trơn trượt gây khó khăn cho người dân tham gia đi lại. Thực hiện Nghị quyết của cấp ủy cấp trên và Nghị quyết của Chi bộ, BQL thôn Hiệp Đồng- xã Thường Thắng đã triển khai họp nhân dân trong thôn để tiến hành vận động nhân dân tháo dỡ công trình tường bao, vật kiến trúc, hiến đất để mở rộng đường giao thông trong các tuyến đường ngõ của thôn. Việc làm này đã được toàn thể nhân dân đồng tình ủng hộ, đến nay toàn bộ các hộ gia đình đã tự nguyện tháo dỡ các công trình, tường bao, vật kiến trúc hiến đất để BQL tiến hành thi công nền đường. Quá trình triển khai thực hiện, Cấp ủy, Ban quản lý thôn Hiệp Đồng và các ban ngành đoàn thể đã tích cực tuyên truyền vận động nên được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Công tác giải tỏa mặt bằng được triển khai nhanh chóng, sau 5 ngày thi công toàn bộ mặt bằng đã được giải phóng xong. Kết quả cụ thể như sau: Tổng chiều dài mặt đường giải tỏa là 470 m chiều dài, diện tích đất nhân dân hiến là: 705 m2 đất. Tường bao, công trình, vật kiến trúc nhân dân tự tháo dỡ: 800m2 các loại. Sau khi giải phóng mặt bằng xong, dự kiến nhân dân tự nguyện đóng góp tiền để bê tông hóa nền đường dự kiến kinh phí hết khoảng trên 140.000.000đ (Phần kinh phí này 100% do nhân dân tự nguyện đóng góp). Công trình dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trước dịp đón tết nguyên đán Quý Ngọ 2014.
 
Dưới đây là một số hình ảnh. 
 
 
Lãnh đạo Đảng ủy- HĐND- UBND thăm, kiểm tra, động viên nhân dân.
 
 
 
 
 
 
 
 
Nhân dân tự nguyện tháo dỡ và máy thi công. 
 
 
Đường ngõ trước lúc trưa tháo dỡ.
 
Người viết: Nguyễn Quý

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Thơ của CLB Thơ xã Thường Thắng trên sóng VOV2


Từ hai tháng nay, CLB Thơ xã Thường Thắng liên tục có thơ, bình thơ phát trên sóng VOV2, Đài Tiếng nói Việt Nam, tại chương trình phát thanh của những người cao tuổi.
Mở đầu là bài “Quê hương đổi mới” của tác giả Nguyễn Văn Thi, được Đài đưa ra để thính giả tham gia bình vào chương trình phát thanh ngày 14/9/2013. Tiếp theo là các bài thơ, bài bình thơ của tác giả Nguyễn Minh Họa được phát sóng vào các ngày: 21/9/2013; 28/9/2013; 05/10/2013 và 19/10/2013. Chương trình phát thanh ngày 26/10/2013 và 2/11/2013 phát bài bình thơ và họa thơ của tác giả Nguyễn Thế Tính. Chương trình phát thanh ngày 09/11/2013, phát bài bình thơ của tác giả Đức Cường (Nguyễn Văn Thời).
Đặc biệt, hướng tới kỷ niệm ngày Nhà Giáo Việt Năm 20/11 tới đây, chương trình phát thanh của những người cao tuổi, thứ 7, ngày 16/11/2013, Đài sẽ bình bài thơ “Xin hẹn kiếp sau” của tác giả Nguyễn Văn Tuyết. Bài thơ nói về tâm tư tình cảm, lòmg yêu nghề của một nhà giáo đã nghỉ hưu đối với sự nghiệp cao qúy của Người Thầy giáo, của nghề làm Thầy giáo,
Đây thật sự là một niềm vui, một vinh dự của CLB Thơ xã Thường Thắng đóng góp với chương trình phát thanh của những người cao tuổi, Đài tiếng nói Việt Nam. Đồng thời cũng là một hoạt động cụ thể của CLB thiết thực kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).
Dưới đây là những bài thơ của CLB Thơ xã Thường Thắng đã được phát  trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam:

Bài QUÊ HƯƠNG ĐỔI MỚI
(Tác giả Nguyễn Văn Thi. Bình ngày 14/9/2013)

Vời trông phong cảnh chốn quê xưa
Nay đã đổi thay đẹp tựa mơ
Đình mới tân trang hồng xóm trúc
Thần xưa hồi phục ngát hương thờ
Điện đường trăm sắc thêm hoa mắt
Xe cộ muôn mầu dệt ý thơ
Đời được ấm no dân bớt cực
Muôn loài sóng giữ hết xô bờ.

Bài: SỐNG VUI
(Tác giả Nguyễn Minh Họa. Đọc ngày 21/9/2013)

Bẩy mươi chưa hẳn đã già
Vẫn còn là những cây đa nhiệt thành
Vẫn cùng bầu bạn ra sân
Dưỡng sinh, thế võ khỏe gân cốt bền
Vẫn cùng con cháu làm vườn
Vẫn cùng thi hữu thảo vần thơ hay
Vẫn cùng làng xóm chung tay
Góp công hiến kế dựng xây quê mình
Tuổi cao nhưng trí còn tinh
Vẫn ham báo viết, báo hình thường xuyên
Da mồi tóc bạc không hèn
Giữ gìn hương vị “hoa sen”cho đời.

Bài: QUÀ TẶNG NGÀY SINH
(TG Nguyễn Minh Họa. Đọc ngày 28/9/2013)

Dự lễ ngày một tháng mười
Áo the khăn xếp xin mời chị hai
Gác nghiên mấy chục ngày dài
Tài thơ vẫn đủ hát vài chống canh
Chị hai áo tím bao xanh
Quai thao nón thúng mắt long lanh cười
Bồng bềnh tóc tựa mây trôi
Ngày sinh em tặng đôi lời dân ca.

Bài: HIỂU ĐỜI
(TG Nguyễn Thế Tính. Thơ họa. Đọc ngày 26/10/2013)

Hiểu đời tất sẽ lắm nguồn vui
Trung thực công tâm nghĩ thoáng chơi
Trong sáng vô tư thành lẽ sống
Tâm hồn thanh thản suốt đời vui
Tình thơ lai láng thêm hòa khí
Trí tuệ anh minh sáng mọi nơi
Bóng cả cây cao tình mẫu mực
Cháu con phương trưởng sướng muôn đời.

Bài XIN HẸN KIẾP SAU
(TG Nguyễn Văn Tuyết. Bình ngày 16/11/2013)

Cái nghề cao quý Bác cho
Chín tháng vẫn đợi chuyến đò sang sông
Chiều chiều ra ngắm bến sông
Hỏi bao nhiêu chuyến nhớ không hỡi đò
Mặc cho sóng lớn gió to
Thuyền đầy thầy chở nặng đò cô đưa
Dù cho sớm nắng chiều mưa
Vẫn chèo vẫn lái cho vừa lòng nhau
Trước hay sau nghề đâu có khác
Cũng là người đưa khách sang sông
Trăm năm cây đức vun trồng
Dậy cho con trẻ chữ hồng chữ chuyên
Còn tôi đã nặng lời nguyền

Kiếp sau xin hẹn giữ nguyên nghề thầy.

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

THẦY GIÁO CẦM QUÂN




 THẦY GIÁO CẦM QUÂN
(Kính dâng hương hồn Đại Tướng Võ Nguyên Giáp)

Chưa học giờ nào từ trường võ bị
Thầy chỉ quen đứng trước giảng đường
Vì đất nước lên đường đánh giặc
Bác Hồ giao làm Tướng cầm quân.
Với đường lối chiến tranh nhân dân
Đảng quyết định và toàn dân đồng thuận
Từ đội quân đầu trần chân đất
Những tầm vông, súng kíp, súng trường
Vượt nắng lửa mưa dầm mùa sương tháng giá
Từ rừng sâu núi đá đến đồng quê
Rời Thủ đô quyết lại trở về.
Trường kỳ kháng chiến đã thành hướng đích
Tổng Tư lệnh quyết định giờ đánh địch
Thắng từng trận từng mùa chiến dịch
Đến Điện Biên chấn động địa cầu.
Rồi bước tiếp cuộc đụng đầu lịch sử
Lưới lửa phòng không tầm thấp tầm cao tinh thần cảm tử
Bầu trời thủ đô B52 Mỹ nhừ đòn, buộc Mỹ rút quân
Tổng tấn công thần tốc,lật nhào ngụy, một mùa xuân đại thắng.
Hồn thiêng sông núi, ngàn năm đất nước thăng hoa
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
Liền một giải hòa bình thống nhất
Thầy giáo cầm quân thành Tướng tài kiệt xuất
Hoàn cầu thống nhất ngợi ca.
Bây giờ Thầy đã đi xa
Sự nghiệp lớn để lưu truyền sử sách
Bao chiến công lẫy lừng hiển hách
Tổ Quốc vinh quang trang lịch sử vàng
Võ Đại Tướng, một con người huyền thoại.
Ngày 20/10/2013














Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Những bài thơ viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp



NGỜI SÁNG NHÂN GIAN

Trí dũng vô song khắp thế gian
Cầm quân đánh giặc thắng hoàn toàn
Điện Biên lừng lẫy lưu danh tướng
Võ Giáp anh hùng, giặc Pháp tan.
Mỹ cút cuốn cờ lui bẽ mặt
Ngụy nhào tan tác cảnh cơ hàn
Việt Nam chiến thắng vang lời hát
Hồ Chí Minh ngời sáng thế gian.
Ngày 12/10/2013
(Lễ Quốc tang Đại Tướng)


 ĐẠI TƯỚNG CỦA LÒNG DÂN

Vinh quang Đại Tướng của lòng dân
Người ở rất xa vẫn thấy gần
Nghiệp võ thiên tài lưu sử sách
Nghề văn sáng tỏa mãi đời xuân.
Ngày 13/10/ 2013
     (Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

YÊN BÌNH GIẤC THẢNH THƠI

Đại Tướng lừng danh hàng thế giới
Lòng người ngưỡng mộ khăp muôn nơi
Võ công tuấn kiệt lưu nhân thế
Văn đức thiên tài thấu nghĩa đời
Hậu thế ngàn năm ghi nhớ mãi
Tiền nhân vạn đại nhận công Người
Biển trời vang vọng tình non nước
Sông núi yên bình giấc thảnh thơi.
13/10/2013
     (Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

NƯỚC MẮT YÊU THƯƠNG

Lễ tang Đại Tướng đã qua rồi,
Nước mắt yêu thương vẫn cứ rơi!
Đức độ công lao hơn thế kỷ,
Lòng thành kính lễ những đầy vơi.
Dâng hoa tưởng niệm nơi yên nghỉ,
Khóc gọi tên Người Bác Giáp ơi!
Đất nước mất người con vĩ đại!
Nhân dân thương tiếc đến muôn đời.
16/10/2013
(Xem hình ảnh dòng ngưới đội mưa viếng mộ Đại tướng)



Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Sự nguy hiểm của bệnh tiểu đường biến chứng



Sự nguy hiểm của bệnh tiểu đường biến chứng

Số người bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường) hiện nay khá nhiều. Rất nhiều người bị bệnh đã hàng chục năm mà chưa có biến chứng gì, đó là điều rất đáng mừng. Tôi mới bị bệnh hơn 2 năm nay, mức đường huyết xét nghiệm hàng tháng không cao lắm, thường chỉ ở mức trên dưới 8,0, có đợt chỉ ở mức dưới 7,0 nhưng lại đã bị biến chứng khá nghiêm trọng.
Bệnh tiểu đường biến chứng thì tôi đã nghe nói và đọc một số bài trên các báo. Nhưng nó biến chứng cụ thể, nguy hiểm đến mức nào thì chỉ từ khi đến điều trị ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương tôi mới hiểu thực sự.
Từ khi phát hiện bị bệnh đái tháo đường, tôi liên tiếp bị các bệnh, từ tê bì hai chân, tê phù hai chân, viêm tắc tĩnh mạch, mờ mắt, rối loạn nhịp tim, thoái hóa khớp gối, dây chằng, gân cả hai chân, sút cân đến mức teo cơ; sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhất là từ tháng 10 năm 2012, tôi liên tục phải điều trị các bệnh, từ bệnh xá xã, bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh đến bệnh viện trung ương; chữa bằng thuốc Đông y... Qua điều trị, một số bệnh cũng khỏi, nhưng được một thời gian lại tái phát. Một số bác sĩ có bảo là tôi bị biến chứng của bệnh tiểu đường, chỉ có cách là sống chung với nó. Nhưng điều trị thế nào để sống chung được với nó suốt đời thì lại không được hướng dẫn hoặc áp dụng trong điều trị. Hàng tháng tôi vẫn được bệnh viện huyện Hiệp Hòa khám, cấp thuốc điều trị với những loại thuốc tốt mà bệnh viện có, đủ liều lượng. Tôi vẫn uống thuốc, ăn uống, vận động theo hướng dẫn của bệnh viện và kinh nghiệm của bạn bè.
Từ tháng 2/2013, hai mu bàn chân tôi mọc hai cái mụn nhỏ nhưng vùng mưng mủ thì rộng đến 10cm2 mà không đau nhức. Tôi đã tự bóp mủ, dùng kháng sinh rửa, bôi, uống đến 2 tháng mà không khỏi. Cuối tháng 4/2013, tôi thấy ở trong da gầm bàn chân xuất hiện có bọng nước, có dấu hiệu nguy hiểm. Tôi đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương để khám. Nhìn chân tôi, bác sĩ phòng khám bảo tôi phải vào viện điều trị ngay, không thì nguy hiểm. Tôi đăng ký vào viện điều trị ngay.
Những ngày nằm điều trị, nhất là từ hôm được bác sĩ khoa chăm sóc bàn chân mổ, rửa mụn ở chân tôi, được chứng kiến những bệnh nhân bị cắt chân, người bị cắt 1-2 ngón, người bị cắt nửa bàn chân, người bị cắt đến ngang dóng chân… tôi mới rùng mình thấy hết sự nguy hiểm của bệnh tiểu đường biến chứng. Đây mói chỉ là dạng biến chứng ở bàn chân. Còn nhiều dạng biến chứng khác ở tim mạch, phổi, thận, răng, mắt… còn nguy hiểm hơn. Biến chứng vào mắt có thể bị mù. Biến chứng vào tim mạch có thể bị tai biến, đột quỵ, dẫn đến tử vong… Biến chứng nào không được điều trị kịp thời đều có thể bị tử vong, nguy hiểm không kém gì bệnh ung thư. Điều trị kịp thời, giữ gìn, ăn uống đúng cách, sinh hoạt điều độ theo hướng dẫn của bác sĩ thì có thể chung sống với bệnh tiểu đường đến tận tuổi già. Không kể những trường hợp không biết, khi bệnh biến chứng đến bệnh viện mới biết mình bị bệnh tiểu đường nên bị hậu quả nghiêm trọng. Từ hôm ra viện, tôi đã thực hiện đúng y lệnh của BS để giữ gìn sức khỏe lâu dài.
Có lẽ không ít người cũng như tôi, có bệnh đấy, hàng tháng vẫn đến bệnh viện huyện khám, nhận thuốc điều trị; nghe nói, đọc báo đấy; nhưng hiểu về sự nguy hiểm của bệnh tiểu đường biến chứng thì còn hạn chế.
Những ngày điều trị ở bệnh viện, tôi đã xin phép các bác sĩ cho tôi chụp một số ảnh bệnh nhân tiểu đường biến chứng bị cắt chân và hoạt động của bệnh viện để viết bài giới thiệu với bạn đọc, với các bệnh nhân tiểu đường để mọi người tham khảo. Theo lời khuyên của các bác sĩ và nhận biết của tôi, tất cả bệnh nhân tiểu đường, dù bị bệnh đã lâu hay mới, khi mắc bất cứ bệnh gì ngoài bệnh tiểu đường đều nên đến bệnh viên, tốt nhất là nên đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám để được tư vấn hoặc điều trị. Những người khác nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 2 lần một năm để phát hiện sớm bệnh tiểu đường cũng như những bệnh khác, để điều trị kịp thời, bảo đảm sức khỏe cho chính mình.
Dưới đây là một số hình ảnh tôi đã chụp ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương (cơ sở ở Thanh Trì).































Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên xã Thường Thắng tổ chức kỷ niệm ngày 8/3 và 26/3



Lễ kỷ niệm được tổ chức vào chiều ngày 6/3/3013 tại nhà văn hóa thôn Tân Hiệp. Tới dự lễ có bà Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hiệp Hòa; ông Trần Văn Vĩ, Trưởng phòng Tư pháp huyện. Ở xã có ông Trần Chi, Bí thư Đảng ủy; ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch UBND xã; đại biểu các ban, ngành, đoàn thể của xã và thôn Tân Hiệp. Đông đảo đại biểu các chi hội Phụ nữ, các chi đoàn Thanh niên trong xã đã về dự lễ.
Cùng với việc ôn lại truyền thống lịch sử ngày quốc tế Phụ nữ 8/3 và ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3, năm nay, Hội Phụ nữ và Đoàn Thành niên xã Thường Thắng chọn chủ đề xây dựng hạnh phúc gia đình, giảm nghèo bền vững, phòng chống có hiệu quả các tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, kết hợp với nội dung kỷ niệm ngày truyền thống, Ban tổ chức lễ đã mời ông Trần Văn Vĩ, Trường phòng Tư pháp huyện giới thiệu với các đại biểu những nội dung cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình.
Mở đầu và kết thúc lễ kỷ niệm là chương trình văn nghệ sôi nổi của các chi hội Phụ nữ và chi đoàn Thanh niên.
Dưới đây là một số hình ảnh buổi lễ.












Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

Chợ Thường phiên cuối năm (phóng sự ảnh)




 Việc xắm tết bây giờ không còn tập trung nhiều ở chợ. Phần thực phầm chủ yếu các gia đình thịt lợn nhà, 3, 4 nhà chung nhau thịt một con lợn. Rau dưa thì nhà tự trồng hoặc mua ở các quầy hàng nhỏ ở đầu thôn, kể cả bánh kẹo, hoặc buổi chiều đến các quầy hàng ở phố mua. nên chợ cuối năm nhưng cúng thưa người. Phần nhiều là con trẻ đi chơi chợ tết, người đi xắm hoa. Có người dắt díu con cháu đi chơi chợ tết. Không khí chợ cũng khác ngày xưa. Hôm nay hàng hóa bán cũng chạy. Mấy hàng thịt đến 10h30 đã bán gần hết. Đến 17h các quầy hàng đều bán hết hàng.



 Hàng rau hôm nay không nhiều nhưng cũng rẻ. Có người mua 20.000đ được 7 cây bắp cải.



 Quất bán cũng chạy, bãi quất 100 cây đến 9 h đã bán gần hết, nhà anh Tú có 100 cây đã bán được 80 cây.

Các quầy hoa là nhiều

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Bệnh nhân huyết áp, tiểu chúc tết các thầy thuốc



Buồng điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp chỉ có bệnh nhân ngoại trú, số lượng có đến hàng nghìn người bệnh. Các ngày trong tuần đều đông bệnh nhân. Sô y, bác sĩ đảm nhiệm công việc khám bệnh, điều trị chỉ có 4 người. Có ngày chỉ có 3 người. Thầy thuốc với bệnh nhân chỉ tiếp súc trong thời gian rất ngắn khi lấy giấy đi xét nghiệm và khi có kết quả xét nghiệm để bác sĩ quyết định phác đồ điều trị (kê đơn thuốc), trừ một số trường hợp bệnh nhân mới, phải thăm khám hoặc trường hợp bệnh có biểu hiện đột biến. Bệnh nhân chờ đợi, khi lấy được đơn thuốc thì nhanh chóng đến Bảo hiểm y tế xếp hàng để làm thủ tục thanh toán viện phí, đi lấy thuốc rồi về. Ngày đông người khám, nhiều bệnh nhân phải mất cả ngày mới lấy được thuốc. Từ đó mà quan hệ giữa bệnh nhân với thầy thuốc gần như chỉ là quan hệ có tính nghĩa vụ và quyền lợi. Thày thuốc có nghĩa vụ khám, chữa bệnh cho dân. Bệnh nhân có quyền lợi được khám và chữa bệnh. Thầy thuốc làm xong nghĩa vụ, bệnh nhân nhận được quyền lợi coi như xong. Cứ thế, “đến hẹn lại lên”. 1 tháng hoặc 2 tháng một lần. Tính từ 30/7/2008, hơn 4 năm điều trị tại đây tôi đều chứng kiến cảnh này. Tuy nhiên tôi thấy các y, bác sĩ vẫn biết tên, nắm chắc tình hình bệnh tật của bệnh nhân. Thái độ cũng đúng mực. Những ngày tôi đến khám bệnh, chưa lần nào tôi thấy giữa các y, bác sĩ và bệnh nhân có vấn đề khúc mắc hoặc trục trặc.
Sáng nay, ngày 7/2/2013, tức ngày 27 tháng Chạp năm Nhâm Thìn (tháng thiếu, đã là 28 tết Quý Tỵ), Buồng điều trị huyết áp, tiểu đường vẫn đông bệnh nhất so với các buồng, nhưng là ngày ít bệnh nhân nhất trong năm của buồng, chỉ có khỏang hơn 20 người. Cũng là ngày hẹn khám, bệnh nhân HQ đã đem đến một bó hoa tươi và một thiếp chúc tết. Ông trao đổi với các bệnh nhân tặng cho các y, bác sĩ điều trị để động viên chị em. Mọi người đều hưởng ứng. Ông mời một số bệnh nhân dự trao hoa và chụp ảnh chung với các chị y, bác sĩ. Việc trao hoa chỉ diễn ra trong vòng 5 phút nhưng thật ý nghĩa. Nó thể hiện mối quan hệ tình cảm chân thành, gắn bó giữa bệnh nhân với thầy thuốc, góp một phần nhỏ vào việc xây dựng bệnh viện ngày càng tốt đẹp hơn.
Trong thiếp chúc mừng năm mới, ông HQ có mấy lời nôm na theo thể thơ bẩy chữ: "Bị bệnh nên tôi biết chị em/ Những y, bác sĩ chẳng thân quen/ “Lương y từ mẫu” thành thân thiện/ Thày thuốc, bệnh nhân thắm thiết quen./ Tết đến mong “Buồng”* luôn vững tiến./ Xuân về chúc các chị thêm xuân./ Nghề y đã tốt ngày càng tốt./ Sự nghiệp “mẹ hiền” đẹp sắc xuân."(* buồng điều trị).

Các y, bác sĩ buồng khám huyết áp, bệnh viện đa khoa huyện Hiệp Hòa

Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tổng két năm 2012



Chào mừng kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2013), sáng 2/2/2013, tại hội trường huyện ủy huyện Hiệp Hòa, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) huyện Hiệp Hòa đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2012, triển khai phương hướng hoạt động năm 2013. Tới dự hội nghị, ở tỉnh có Tiến sĩ Phùng Văn Minh, Chủ tịch Hội DNN&V tỉnh Bắc Giang. Ở huyện có ông Nguyễn Văn Chính, ủy viên BTV Huyện Ủy, phó Chủ tịch UBND huyện, ông Nguyễn Văn Thắng, HUV, Chánh Văn phòng UBND huyện; ông Trần Hải Hồng, phó Chủ tịch UBMT Tổ Quốc huyện cùng đông đảo thành viên của Hội.
Trước khi vào nội dung tổng kết, Hội đã kết nạp 6 hội viên mới, đưa tổng số hội viên của Hội lên 51 đơn vị, gồm 9 Hợp tác xã, 10 DN tư nhân, 31 Công ty và 1 hội viên danh dự.
Ông Trương Văn Đơn, Chủ tịch Hội trình bày báo cáo tổng kết. Báo cáo nêu rõ: Năm 2012, trong tình hình kinh tế toàn cầu suy thoái, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Những biện pháp chống suy thoái, chống lạm phát của nhà nước cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các DNN&V ở địa phương. Một số DN thiếu vốn trầm trọng. Trong tình hình đó, BCH Hội đã cùng các HTX, các DN chủ động tiếp cận quỹ hỗ trợ kinh tế tập thể trực thuộc Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang vay trên 1 tỷ đồng để tạo vốn hoạt động. Đồng thời, UBND huyện và BCH Hội DNN&V tỉnh Bắc Giang đã có những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các DN hoạt động. Nhờ đó mà các DN đã đứng vững, vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên. Với trên 220 DN hoạt động trên địa bàn huyện có tổng doanh thu ước tính trên 125 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2,5 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng; góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Đặc biệt một số DN đã có bước phát triển cao như: Công ty xây dựng (CTXD) Hoàng Vân, CTXD san lấp mặt bằng Thành An, CTXD Hải Yến, CTXD Hồng Vân, CTTNHH Quang Bạo, CTCP Bệnh viện Hùng Cường, CT chế biến cao ngựa Hùng Hiền, CTTNHH một thành viên Yến Thành, xí nghiệp XD Hoàng Hà, HTX Mây tre đan Mai Trung, HTX Chăn ga gối đệm Thu Đông…
Cùng với hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, Hội đã tích cực hoạt động ủng hộ từ thiện. Trong năm 2012, các thành viên đã ủng hộ 563.600.000đ vào quỹ “Vì người nghèo”, quỹ khuyến học, khám bệnh phát thuốc miễn phí cho người nghèo, người cao tuổi, nạn nhân chất độc da cam dioxin… Tiêu biểu có các đơn vị: Công ty cổ phần bệnh viện Hùng Cường 108 triệu đồng; HTX chăn ga thu đông: 78 triệu đồng; CTXD Hoàng Vân: 71 triệu đồng; CTXD Thành An: 60 triệu đồng; CTXDTM Quang Bạo: 43 triệu đồng; XNXD Hoàng Hà: 24,5 triệu đồng; CTXD Hải Yến: 24,5 triệu đồng; CTTNHH Yến Thành: 21 triệu đồng; CTXD Ngọc Thích:18 triệu đồng; CTXD Hồng Vân 17 triệu đồng; CT chế biến cao ngựa Hùng Hiền: 17 triệu đồng; Hội DNN&V: 12 triệu đồng; CTXD Bắc Băng Dương: 11,5 triệu đồng; CTXD Hà Chỉnh: 11 triệu đồng…. Đặc biệt, 20 doanh nghiệp đã ủng hộ 245 triệu để UBND huyện tổ chức băn pháo hoa đêm giao thừa tết Quý Tỵ sắp tới.
Hội nghị đã trao Bằng khen của Hiệp hội DNN&V Việt Nam cho HTX sản xuất chăn ga gối đệm thu đông và các cá nhân, gồm: ông Tạ Quang Đốc, GĐCTXD Yến Thành; ông Phạm Đình Nam, GĐCTXD Thành An; ông Đặng Minh Khang, GĐCTXD Hải Yến; ông Bùi Mạnh Tiến, GĐCTXD Hoàng Hà; ông Nguyễn Văn Vân, GĐCTXD Hồng Vân; ông Tạ Quang Bạo, GĐCTXDTM Quang Bạo; ông Trần Văn Vui, GĐCT Hùng Hiền.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Văn Minh, Chủ tịch Hội DNN&V tỉnh Bắc Giang; ông Nguyễn Văn Chính, phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa đều ghi nhận thành tích hoạt động của Hội trong năm 2012. Trong phương hướng hoạt động năm 2013, các ông đều nhấn mạnh các doanh nghiệp cần phát huy khả năng đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hội cần có những biện pháp thích hợp để phát triển hội viên, duy trì đều hoạt động. Hội DNN&V tỉnh Bắc Giang cũng như UBND huyện sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện để Hội hoạt động.
Dưới đây là một số hình ảnh hội nghị.
 Kết nạp hội viên mới
 Ông Trương Văn Đơn, Chủ tịch Hội đọc báo cáo tổng kết
GĐXN Phú Hiển Vinh phát biểu
Chủ tịch Hội DNN&V tỉnh Bắc Giang Phùng Văn Minh phát biểu
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Chính phát biểu

Hội trường hội nghị


 Khen thưởng các tập thể và cá nhân