Hôm nay, ngày 5 tháng 5 – ngày
tết Đoan ngọ, là ngày cưới lần thứ 47 của mình. Bây giờ nhớ lại ngày cưới của
mình cũng thật buồn cười. Hồi ấy, bọn mình nói đến ngày cưới thật đơn giản, cứ
dửng dưng, chẳng có chuẩn bị sắm sửa gì cho ngày cưới như thế hệ trẻ bây giờ.
Quần áo chẳng may, chăn màn cũng chẳng sắm.
Hôm ấy, tính theo dương lịch là
ngày 25/6/1963, ngày cuối cùng mình thi tốt nghiệp cấp III, thi vấn đáp môn
lịch sử. Mình thi vào tốp thứ 2, nhúp được câu hỏi về chiến thắng Điện Biên
Phủ, một bài mình rất thuộc, trả lời rành rọt, mạch lạc. Cô giáo dậy lịch sử
trực tiếp chấm thi, cho mình 4 điểm cộng (theo thang 5 điểm). Khoảng 9 giờ sáng
thì thi xong, mình ra ga Bắc Giang lên tầu về ga Sen Hồ rồi thuê xe đạp thồ hết
một đồng rưỡi về đến Thắng, đi bộ về nhà. Khoảng 12 giờ thì về đến nhà. Mọi
việc cỗ bàn ở nhà bố mẹ đã lo đầy đủ. Phần thủ tục lễ cưới thì anh Mùi, anh con
ông bác làm phó bi thư xã đoàn đã lo cho tất cả. Thủ tục đăng ký kết hôn thì do
chú Tế, là em thuộc cháu dì cháu dà làm văn phòng UBND xã lo cho, đem về, tối
tổ chức xong lễ cưới mới ký và lấy đăng ký. Bà nhà mình năm đó đang học năm
cuối ở trường Trung cấp nông nghiệp tỉnh Hà Bắc. Trước ngày cưới 3 ngày, nhà
trường tổ chức đi thăm quan Hải Phòng, Đồ Sơn. 9 giờ sáng hôm ấy mới lên tầu về
Hà nội rồi chuyển tầu Thái Nguyên về ga Trung Giã, xuống tầu đi bộ 10km về nhà.
Có mấy chị em cùng lớp về dự đám cưới. Gần
5 giờ chiều vẫn chưa thấy về, mình đạp xe đi đón. Ra đến gần dốc Bách nhẫn thì
gặp. Gần 6 giờ chiều mới về đến nhà. Nhá nhem tối, gà lên chuồng, có lẽ là hơn
7 giờ tối thì nhà trai đến đón dâu. Thủ tục đón dâu cũng rất đơn giản. Các ông,
các bà nói chuyện với nhau gì đó rồi hai họ dẫn cô dâu, chú rể về nhà trai.
Chẳng có hoa cài túi, hoa đón cô dâu, chụp ảnh “rườm rà” như bây giờ. Hôm ấy
trời có trăng. Trăng đầu tháng. Đón dâu về đến nhà thì trăng sáng rõ. Phòng
cưới dựng bằng các cây tre, mượn vỏ chăn tháo ra căng lên trên và xung quanh,
kê 3 dẫy bàn ghế để hai họ ngồi. Cô dâu chú rể có một cái bàn riêng với hai cái
ghế tựa, không có trang trí gì. Chủ hôn là anh Mùi- Phó bí thư xã Đoàn. Chủ hôn
“tuyên bố lý do”, mời đại diện hai họ phát biểu, mời cô dâu chú rể phát biểu.
Những người phát biểu đều chúc cô dâu chú rể “vui duyên mới không quên nhiệm
vụ”. Khi mình phát biểu hình như mình cũng “hứa quyết tâm” “hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ của Đoàn, vui duyên mới không quên nhiệm vụ” gì đấy. Cô dâu không phát
biểu. Hai họ nói chuyện, hát hò gần một tiếng đồng hồ thì kết thúc. Mình có anh
bạn Nguyễn Yên quê ở Yên Lư huyện Yên Dũng, hai đứa cùng học với nhau từ năm
lớt 8, cùng làm cán bộ đoàn. Yên làm Bí thư liên chi đoàn khối, vừa được kết
nạp vào Đảng, cùng trúng tuyển bộ đội với mình, theo quyết định gọi nhập ngũ
thì ngày 2/7/1963 chúng mình sẽ tập trung lên đường nhập ngũ. Hôm ấy cùng thi
tốt nghiệp nhưng Yên thi sau, buổi chiều mới đi xe đạp từ Bắc Giang về nhà mình
để dự đám cưới của mình. Phát biểu tại đám cưới, Yên “thay mặt chi bộ, thay mặt
BCH Đoàn trường” dặn dò mình “rất oách”.
Nói về việc cưới của vợ chồng
mình cũng buồn cười. Chúng mình yêu nhau từ năm mình học lớp 7, vợ mình học lớp
6. Hai nhà ở hai xóm nhưng cùng đi một đường từ nhà lên Thắng, nơi có trường
cấp II duy nhất của huyện. Chúng mình thân nhau rồi yêu nhau. Nhưng nói đến
chuyện cưới nhau thì chẳng biết thế nào. Tất cả là do bố mình và bà mẹ vợ mình
xếp đặt, định đoạt. Không có các cụ thì không biết chúng mình có cưới nhau hay
không. Cưới nhau được một tuần,cũng không nghĩ, không biết thế nào là “tuần
trăng mật” như con cháu bây giờ. Đúng là “thanh niên nhà quê”, chúng mình cũng
“ngố”. Ngày 2/7/1963, chúng mình đưa nhau lên Bắc Giang. Nhà mình tiếp tục đi
học. Mình thì lên đường nhập ngũ, chẳng có cảm nghĩ, cảm giac gì là mới cưới
vợ, cưới chồng. Sáng ngày 3/7/1963, mình tập trung tại trường Ngô Sĩ Liên nhà
mình cùng một cô bạn tên là Ngân ở trường trung cấp Nông nghiệp xuống tiễn mình
lên đường. Mình nhận quân trang xong, theo đội hình đơn vị ra ga Bắc Giang, lên
tầu xuôi Hà Nội rồi lên Tây Bắc. Chẳng có cảm giác lưu luyến nhớ nhung gì ghê
gớm cả. Cuối năm 1963, mình được nghỉ
phép từ ngày 20 tháng chạp đến ngày 10 tháng giêng năm 1964 để “đi B”. Vợ chồng
mình sống với nhau 20 ngày tết đó mới là “tuần trăng mật”. Hết phép, mình lên
đường vào Thanh Hóa huấn luyện “đi B”. Đáng lẽ đơn vị mình lên đường tháng
4/1963, nhưng ở Quảng Trị - Thừa Thiên địch càn lên miền núi, bị tắc đường,
phải lui lại. Đơn vị có chủ trương tất cả anh em có vợ được viết thư đón vợ đến
đơn vị, không được về phép. Mình viết thư về, ông cụ nhà mình thu xếp đưa nhà
mình vào tận Thọ Xuân Thanh Hóa. Cụ ở lại hai hôm rồi về. Nhà mình ở lại được
15 ngày. Đơn vị có lệnh lên đường thì nhà mình về. Và vợ chồng mình có Ngọc
Oanh ngày ấy.
Hôm nay, kỷ niệm ngày cưới lần
thứ 47, vợ chồng mình ôn lại chuyện xưa, ghi lại đây để cho con cháu biết
chuyện các cụ ngày xưa cưới xin thế nào.
Nói thêm một chút về cỗ cưới. Cỗ
cưới thì thật giản đơn. Nhà trai đem sang nhà gái được 7 kg thịt, một nồi gạo
(16kg), một gánh thức nấu gồm một buồng chuối xanh và bí xanh, một nồi giá đõ
xanh gia đình tự ủ. Phần nhà trại thì hết nhiều hơn, chủ yếu là tốn nhiều gạo
hơn vì họ đông.
Ngày ấy, may có anh cán bộ Công
an cùng công tác với bố vợ mình, đem máy ảnh về chụp cho chúng mình cái ảnh hai
đứa đứng ở gốc mít ngoài cổng nhà ông bà ngoại. Cảnh ấy mình chọn, bảo anh công
an chụp. Bây giờ xem lại thấy cũng có ý nghĩa. Cây mít, quả mít cũng là một đặc
trưng của Tết đoan ngọ MÙNG NĂM THÁNG NĂM.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét