Bài chuyển từ Blog trại tò vò sang.
Trại tò vò là nơi tôi sinh ra, nhưng
thế hệ con cháu tôi thì không còn biết đến cái tên này. Từ tháng 10 năm
1954, sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, xã Hiệp Thắng được chia thành
xã Chiến Thắng và xã Thắng lợi, trại tò vò cùng với ấp Nội Bông và ấp
Nội Da hợp thành xóm Tam Sơn của xã Chiến Thắng (năm 1971 đổi tên thành
xã Thường Thắng), huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
Ngày xưa, các cụ
thường đặt tên cho các cụm dân cư theo đặc điểm của từng nơi như: Bờ
Đầm (dải đất gần vùng đầm nước), Nội Duối (dải đất có nhiều cây duối),
Nội Bông (vùng đồi có nhiều loại cỏ bông), Nội Da (vùng đồi có nhiều cây
đa), Đồng Chót (đồng ở cuối làng), Đồng Đoài (đồng ở phía Tây làng)…
Vùng đồi các cụ nhà tôi khai phá được gọi tên theo đặc điểm xây dựng.
Các cụ sau khi trồng tre, không chỉ đắp lũy như các cụm dân cư khác, mà
nhào đất (thường gọi là xéo đất) đắp tường. Tường có chân dầy 60cm đến
80cm thu dần lên cao từ 1,2m đến 1,6m tùy từng đoạn, có đoạn cao đến 2
mét nhìn từ ngoài vào. Mặt trên của tường dầy từ 20cm đến 25cm, có mũ
bằng đất gắn cành tre có gai hoặc mảnh chai, mảnh sành. Nhà nọ nối liền
với nhà kia thành một bức tường vây khép kín bao quanh cả cụm dân cư.
Bên trong mỗi nhà lại chia vườn ra từng mảnh, đều có tường vây, tạo
thành hai, ba lớp tường, lớp vườn theo độ dốc của đất vườn rồi mới đên
phần sân, nhà. Mỗi nhà để một lối đi hai bên đều có tường, có hai hoặc
ba lớp cổng. Đời các cụ thường hay có cướp, làm như thế để chống cướp. Nhà
khá giả thì thuê người đắp tường, nấu cơm cho người ta ăn nếu cả vợ con
đến giúp, gọi là làm hộ. Nếu chỉ có một người đến làm thì được trả thêm
một bát gạo hoặc một dúm khoai lang ( quê tôi gọi là dúm củ - khoai
lang cuốc về, để nguyên cả dây gốc, buộc túm lại, mỗi túm khoảng một hai
kg, để héo, vặt ra, rửa sạch, cho vào nồi đất (sành), đậy kín vung,
không cho nước, lấy một ít rơm quây xung quanh, đổ trấu kín, đốt lửa cho
cháy âm ỉ từ trưa đến tối hoặc từ tối đến sáng, khoai chín ngọt như
chuối chín, ăn rất ngon, thơm, thường gọi là khoai hầm, tiếng quê tôi
gọi là củ hầm). Cũng chỉ có nhà cụ Bếp Phả mượn được người làm, còn các
gia đình đều tự đắp tường. Thường tranh thủ đắp vào buổi tối, nói cho
đúng là đắp vào ban đêm vì ban ngày thường phải đi làm mướn. Do đó dân
làng đặt cho cái tên là Trại Tò Vò. Tôi muốn ghi lại lai lịch và sự phát
triển của nơi tôi đã sinh ra để con cháu tôi, những Cử nhân, Tiến sĩ
ngày nay biết kị, cụ, ông bà chúng ngày xưa đã lập lên cái Trại Tò vò
như thế nào, những cách làm mà chúng khó có thể tưởng tượng được.
I. Về con người
Theo quan hệ họ hàng hiện tại thì Trại
Tò Vò do hai gia đình gốc khai phá cách ngày nay khoảng 160 đến 180 năm.
Anh em tôi là đời thứ 5. Anh con ông bác bên ngoại của tôi, cũng là
người con trai đầu của đời thứ 5, năm nay 86 tuổi, nếu tính bình quân
đời nọ cách đời kia 20 năm thì cũng đã có trên 160 năm. Bà nội tôi là
đời thứ 3, mất năm 1938, thọ 64 tuổi, đến năm nay cũng đã là 135 năm,
cộng thêm đời cụ ngoại, kỵ ngoại tôi thì cũng có trên 175 năm. Ở đời thứ
3 này, hai gia đình gốc thông gia vơi nhau, phát triển thành 8 hộ cùng
với 5 hộ khác đến sau, tổng cộng là 13 hộ. Đến đời thứ 5 chúng tôi, chỉ
tính con trai của 2 gia đình gốc đã có đến 36 hộ; không tính con gái vì
tất cả con gái đều đi lấy chồng ở làng khác, thôn khác. Đời thứ 5 chúng
tôi chỉ có duy nhất 1 người con gái lấy chồng tại Trại. 5 gia đình đến
sau, đến đời chúng tôi cũng chỉ có 4 hộ, một hộ không phát triển. Trong
36 anh em cháu bác, cháu chú, cháu dì, cháu dà của 8 hộ nội ngoại chúng
tôi có 25 người đi bộ đội (24 trai, 1 gái), 1 người chống pháp hy sinh, 4
người tham gia cả chống Pháp và chông Mỹ, 19 người lớp chúng tôi tham
gia chống Mỹ, hy sinh 6 người, bị thương 2 người. Riêng nhà tôi có thêm
cô em út cũng đi bộ đội chống mỹ. 5 hộ đến sau có 1 người đi bộ đội
chống Pháp. Tổng cộng 13 hộ của Trại Tò Vò có 26 người đi bộ đội tính từ
1948 đến năm 1972. Hiện tại Trại Tò vò có 87 hộ, không kể 20 hộ tách ra
ở chỗ khác và các nơi như gia đình tôi. Số nhân khẩu thì chưa thống kê
được.
II. Về kinh tế
Ngày xưa chỉ có
nhà cụ Bếp Phả gọi là có dư dật, còn tất cả đều thuộc diện túng đói,
phải đi làm thuê, làm mướn ở Ấp Lý Hạp tận Phú Bình. Năm 1945 có 1 người
(bà Sải) chết đói ở ngay cầu xi măng ở đầu Trại khi đi làm sớm. Năm đó
tôi còn bé nhưng vẫn nhớ như in hình ảnh và hương vị của cái bánh cám,
bố mẹ tôi để phần cho riêng tôi, nướng bằng than rạ hơi cháy, to bằng
cái chôn bát con (bằng cái bánh quy Hương Thảo bây giờ), thơm ngon có lẽ
bánh quy bây giờ khó sánh được. Năm 1954 cũng bị đói, các gia đình đều
phải ăn củ chuối, bầu, cà ghém thay cơm. Bố mẹ tôi thì vẫn giữ được một
bữa cháo, còn là ăn bầu, cà ghém luộc, rau má, rau khúc xen với củ
chuối. Thời gian đói kéo dài đến 2 – 3 tháng gì đó. Một số người đã bị
phù thũng. Tôi vẫn nhớ câu hát do chúng tôi bịa ra là “ăn nhiều củ chuối
nó đâm bệnh phù…” Ngày nay thì khá rồi. Con cháu chúng tôi cũng tiến
kịp với sự phát tiển chung của xã hội ở nông thôn vùng đồi trung du miền
núi thấp; hiện còn hai hộ cận nghèo so với chuẩn
nghèo của nhà nước. Tuy vậy, tất cả đều không phải ăn cơm độn sắn,
khoai. Khoai sắn chỉ dùng để chăn nuôi. Bữa ăn đã có thịt, cá; có xe máy
để đi lại (và cũng là phương tiện vận tải như một công cụ sản xuất), có
tivi để xem. Đại bộ phận nhà ở đã xây bằng gạch, lợp ngói mũi, nền lát
gạch men, sân cũng lát gạch; công trình phụ cũng xây bằng gạch, lợp ngói
hoặc tấm lợp Pro. Có 3 cháu đời thứ 6 đã làm được nhà tầng.
III. Về văn hóa, học hành
Có thể nói gọn
một câu là từ đời bố tôi về trước không ai biết chữ. Sau cách mạng tháng
Tám năm 1945, từ phong trào diệt giặc dốt, một số ông và các anh tôi
được học đến biết đọc, biết viết. Riêng ông Nguyễn Văn Phê biết làm toán
cộng, trừ đã dậy cho chúng tôi sau này. Năm 1954, sau hòa bình xã tôi
mới có trường học. Chúng tôi là lớp được đi học đầu tiên của Trại Tò Vò
cũng như của xã. Trước chúng tôi chỉ có dăm anh gia đình khá giả được đi
học, nhưng phải lên tận xã Đưc Thắng hoặc Phú Bình Thái Nguyên mới có
trường. Phần lớn các anh sau này được học ở trong Quân đội. Đại bộ phận
các bà, các chị được học bổ túc văn hóa trong các năm 1957-1960 mà chúng
tôi đã trực tiếp dậy cho họ. Nhờ học lỏm rồi học bình dân học vụ mà khi
có trường tôi được vào học ngay lớp 2. Cùng lớp với tôi có cả các anh
hơn tôi 6 tuổi. Năm ấy tôi 12 tuổi, là một trong 2 đứa ít tuổi nhất lớp
với 24 học sinh lớp đầu của xã. Lên đến cấp II thì cả xã còn được 8
người học ở trường cấp II Hiệp Hòa. Thi đỗ và học lên cấp III, cả xã chỉ
có hai anh em tôi là cháu dì cháu già. Trại Tò vò thì chỉ có mình tôi.
Hồi đó đi học gian nan lắm. Hè năm 1960, tôi đi đắp đê ở Yên Dũng, được
chia 3,6 đồng. Đem về tôi mua được 20 con vịt, nuôi lớn, chết mất 3 con,
còn 17 con, bán được 36 đồng, bố tôi mua 3 con lợn con, nuôi một tháng,
bán đi một con được 23 đồng, vay hợp tác xã tín dụng 50 đồng để may
quần áo, mua sách vở. Hồi đó ở Hiệp Hòa chưa có trường cấp III, tôi phải
lên thị xã Bắc Giang học tại trường cấp III Ngô Sĩ Liên. Thời đó học
sinh đi học được phân 13kg phiếu gạo, được mua 10kg gạo, còn 3kg phiếu
phải mua độn, thường là khoai lang, 1kg phiếu được mua 3kg khoai. Củi
được mua 5kg. Chúng tôi thường làm quen với các cô, các chị bán gạo, bán
củi để được mua thêm một hai kg khoai mỗi lần, hoặc củi loại một thì
tính loại 2, loại 3. Các chị, các cô cũng thường hay chiếu cố học sinh.
Cũng may, anh cả tôi là bộ đội chuyển ngành làm công nhân nhà máy xe lửa
Gia Lâm, những năm sau,mỗi tháng anh tôi cho tôi 10 đồng đủ để ăn học.
Tôi phải trọ học ở làng Vĩnh Linh, cách trường gần 2km. Thường Thường
mỗi tháng tôi mua cả gạo, củi, rau muối, dầu đèn hết 9 đồng rưỡi, còn 5
hào để dự phòng hoặc đi xem phim. Hai, ba tuần một lần về nhà nghỉ chủ
nhật, đem thêm củi, tương để ăn. Nhớ một lần tôi mang một bó củi dong và
một chai tương, đến Sen Hồ tôi gửi anh bạn đi tầu hỏa mang hộ. Tôi
không có tiền đi tầu, phải đi bộ. Từ ga Sen Hồ lên Bắc Giang 10km, mất
hai hào tiền tầu. Anh bạn tôi đem chai tương lên tầu, tầu chạy một đoạn,
chai tương nổ tung nút, tương bắn tung lên trần tầu, văng vào mọi người
xung quanh. Mọi người la mắng. Anh bạn tôi vẫn nhặt nút chai nút lại.
Chai tương chỉ còn một ít, toàn nước, đủ một bữa ăn.
Kể lại một chút chuyện học hành của
ngày xưa cho con cháu biết. Ngày nay thì chẳng bao giờ có cái cảnh ấy.
Cũng kể lại chuyện này để nói rằng, việc con cháu tôi
đều học được hết Đại học là tôi hạnh phúc lắm. Nhất là con trai đầu của
tôi, Nguyễn Ngọc Oanh đạt được bằng tốt nghiệp Tiến sĩ là điều mơ ước
lớn nhất của đời tôi.
Nguyễn Ngọc Oanh cũng sinh ra tại Trại
Tò vò, ngày 18/1/1965, khi tôi đã có mặt ở chiến trường Trị - Thiên –
Huế được 9 tháng. Tháng 10/1966 tôi mới nhận được thư nhà và ảnh của
cháu. Cái ảnh ở đầu trang BLog Trai cầu vồng Yên Thế đấy. Hồi đó có
chiến tranh, mẹ cháu và ông bà nội nuôi cháu cũng khá vất vả. Sữa mẹ
không đủ. Thỉnh thoảng bà ngoại làm cán bộ phụ nữ xã xin mua được hộp
sữa bò lại đem cho cháu. Bữa ăn ưu tiên nhất là cháu được ăn một quả
trứng vịt sào với muối, còn chủ yếu là ăn cơm với dưa, cà, cua, cá do
các cô đi bắt ở đồng. Nhiêu bữa chỉ ăn cơm với muối trắng, không phải
muối tinh như bây giờ đâu, mà là muối “cộ”, hạt muối to bằng hạt ngô.
Lúc bé, sau thời kỳ ăn bột, trẻ con thường ăn cơm “búng”. Mẹ (thường
là bà nội), nhai độ nửa bát cơm nhiễn ra, lấy hạt muối mút một ít cho
vừa rồi mớm cho trẻ. Oanh được 18 tháng thì ở nhà với ông bà nội, mẹ được
tuyển vào ngành Công an. Đó cũng là sự may mắn cho cuộc sống của gia
đình sau này. Lúc 3 - 4 tuổi, có lần Oanh bị kiết lị, nhòm như con mèo
hen, suốt ngày quấy khóc, bắt cô Bình bế cả ngày đêm, không cho cô được
ngủ. Năm 1972, tôi ở chiến trường ra nghỉ phép
mới làm thủ tục đem cháu lên cơ quan ở với mẹ, học ở trường xã Dĩnh Trì.
Cháu học cũng được và có ý thức tự lập rất sớm. Đó cũng là đặc điểm
trên bước đường trưởng thành sau này, xứng đáng là con trai của Trại Tò
Vò xa xưa. Hiện tại, Trại Tò Vò có 4 cháu học xong Đại học, 6 cháu học
xong Cao đẳng, 4 cháu đang học Đại học (5 cháu ở đời thứ 6 và 9 cháu ở đời thứ 7).
Ghi lại một chút để con cháu biết đến thời gian nan lúc nhỏ, mà thấy sự sung sướng bây giờ ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét