Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Anh hùng lao động Nguyễn Thị Song

Bài chuyển từ Blog Trại tò vò sang

Hơn bốn mươi năm nay, nói chính xác là 43 năm 2 tháng, từ ngày chị Nguyễn Thị Song được tuyên dương Anh hùng lao động , hôm nay tôi mới có điều kiện đến thăm chị.
Tháng 2/1967, thời ấy, tôi đang chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên – Huế, biết được chuyện chị Nguyễn Thị Song ở thôn Trung Hòa, xã Mai Trung, quê hương Hiệp Hòa mình được tuyên dương anh hùng lao động về thành tích cải tạo đất bạc mầu, trồng khoai lang. Tôi đọc trên Báo, có ảnh chị và cánh đồng khoai lang với những luống khoai thẳng tắp, mênh mông. Tôi nhớ mãi một câu chị nói mà bài báo viết lại là “bịt mắt cắt dây”. Mới đầu tôi cứ tưởng là chị lao động giỏi đến mức bịt mắt mình lại để cắt dây khoai giống mà vẫn chính xác. Sau mới hiểu, đó là kỹ thuật cắt dây khoai giống để khi trồng xuống, dây khoai nhanh ra dễ và cũng cho nhiều củ hơn. Tức là khi cắt dây khoai lang giống, hai ngón tay cầm kín mắt dây khoai, gọi là "bịt mắt", sau đó lấy dao cắt dây sát đầu ngóa tay.
Bây giờ mà nói chuyện trồng khoai lang trở thành anh hùng thì con cháu chúng ta khó mà hình dung được. Có thể họ sẽ buồn cười, không hiểu nổi tình hình thế nào mà thời ông bà, bố mẹ lại có chuyện trồng khoai lang cũng trở thành anh hùng. Đúng thế. Phải là những người ở vào độ tuổi 60 trở lên mới biết và mới hiểu được giá trị của những củ khoai lang, những cánh đồng khoai lang thời ấy. Nhất là những ai đã trải qua nạn đói đầu năm 1955 (ở quê tôi), phải ăm củ chuối thay cơm thì mới thấy hết giá trị của củ khoai lang.
Từ những năm đầu của thập kỷ 1960, ở Miền Bắc quê mình, lương thực được chia theo tiêu chuẩn, theo độ tuổi cho từng người. Ngô, khoai, sắn đều được xếp là lương thực quy ra thóc gạo. Ba ki-lô-gam khoai lang được tính bằng một ki-lô-gam gạo. Tôi còn nhớ, từ năm học 1961-1963 tôi học ở trường cấp III Ngô Sĩ Liên, thị xã Bắc Giang (bây giờ là trường PTTH – Thành phố Bắc Giang), được ăn tiêu chuẩn 13kg gạo một tháng. Trong đó được mua 10kg gạo, còn 3kg phiếu được mua 9kg khoai lang, hoặc 3kg sắn khô.
Từ năm 1960, thế hệ thanh niên chúng tôi sôi nổi với phong trào “Thanh niên tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm”. Ở nông thôn, thanh niên hăng hái tìm mọi cách để đưa năng suất lúa mầu lên, với mục đích  làm ra nhiều lương thực để không bị đói và sau này có đủ lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam . Mạnh mẽ nhất là phong trào “sạch làng tốt ruộng”, làm phân xanh cải tạo đồng ruộng. Thôn tôi liền đồng với thôn Trung Hòa, cùng tưới nước của một con mương. Đồng đất quê ta thời đó là đất bạc mầu, năng suất lúa rất thấp, trung bình chỉ đạt 40-50kg/sào. Cánh đồng tốt nhất cũng chỉ đạt 80-100kg/sào. Cây mầu, chủ yếu là cây khoai lang giữ vị trí rất quan trọng.
Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thưc nhất theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 3 của Đảng, Thôn Trung Hòa xã Mai Trung được tỉnh, huyện chỉ đạo cải tạo đất bạc mầu, đưa cây khoai lang trở thành cây lương thực có năng suất cao. Chị Nguyễn Thị Song lúc đó là một cán bộ Đoàn tích cực, một đảng viên trẻ. Chị không chỉ xông xáo trong các phong trào của thôn, của xã, trong sản xuất chị luôn có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật để đưa năng suất lên cao, đặc biệt là cây khoai lang. Cây khoai lang thời đó trồng bình thường ở quê ta chỉ thu được trên dưới 300kg/sào, ở Trung Hòa đạt đến trên 1200kg/sào. Đó chính là một kỳ tích. Huyện, tỉnh đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm từ Trung Hòa, từ Mai Trung để nhân rộng ra toàn huyện, toàn tỉnh. Cây khoai lang Trung Hòa đã đóng góp tích cực cho nhiệm vụ sản xuất lương thực của địa phương.
Tháng 1/1967, Chị Nguyễn Thị Song, bí thư chi bộ, phó Chủ nhiệm phụ trách kỹ thuật hợp tác xã Trung Hòa được chọn đi dự Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn Miền Bắc. Ngày 31/01/1967, chị được Đại hội tuyên dương danh hiệu Anh hùng lao động. Theo chị nói, đó là một bất ngờ mà chị không nghĩ tới. Đó cũng là vinh dự không của riêng chị mà là vinh dự của cả nhân dân thôn Trung Hòa, nhân dân xã Mai Trung. Nói rộng ra đó cũng là vinh dự của nhân dân huyện Hiệp Hòa. Ở chiến trường, nghe đài, đọc báo, chúng tôi cũng thấy tự hào về người anh hùng của quê hương mình.
Tôi đi qua thôn Trung Hòa nhiều lần, nhưng hôm nay tôi mới ghé thăm nhà chị. Khi tôi đến, vợ chồng chị đang tiếp đ/c Nguyễn Văn Tám, chi hội trưởng Cựu chiến binh, trao đổi với anh về công việc của chi hội. Cùng là cựu chiến binh nên chúng tôi chuyện trò với nhau rất vui. Chồng chị, anh Ngô Văn Bốn là một cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, thuộc tiểu đoàn 3, Trung đoàn 205, Sư đoàn 3 từ đầu năm 1971. Anh kể lại, anh bị thương trong một trận đánh ở đường số 7, thuộc địa phận tỉnh Bình Dương, thương tật hạng 4/4. Tháng 6/1976, anh được phục viên. Vợ chồng anh chị cùng một tuổi, mới tổ chức mừng tuổi 70 tết Canh Dần vừa rồi (tính theo tuổi đẻ của các cụ). Anh chị cho biết, khi phục viên về, anh tiếp tục tham gia công tác, làm văn phòng UBND xã nhiều năm. Chị thì công tác ở xã đến năm 1982 được nghỉ hưu, nhưng vẫn được bà con tín nhiệm bầu làm hội phó Hội người cao tuổi cho đến hết năm 2009, chị đề nghị mãi bà con mới đồng ý cho nghỉ. Chị nói với tôi, hai năm nữa chị sẽ nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Chị được kết nạp vào Đảng năm 1961, năm chị vừa tròn 20 tuổi. Vợ chồng chị đang có ý định đề nghị chi bộ cho miễn sinh hoạt. Tôi đùa vui, hai ông bà đều chưa có cái tóc bạc nào, xin miễn sinh hoạt thế nào được. Anh chị cùng cười. Chị bảo, tôi cũng có đôi sợi bạc rồi. Thật là tuyệt. Hai ông bà ở tuổi 70 mà mới có đôi sợi tóc bạc thì còn gì đẹp bằng. Tôi để ý, riêng ông thì hầu như chưa có sợi tóc bạc nào. Cả hai ông bà đều khỏe. Suốt buổi nói chuyện với tôi, anh chị không đề cập gì đến chuyện bệnh tật và không có biểu hiện mệt mỏi của tuổi già như nhiều người khác tôi thường gặp.
Vợ chồng chị có 4 người con. Con gái đâu Ngô Thị Hương, sinh năm 1966, đang làm Hiệu Phó Trường THCS xã Danh Thắng. Con trai thứ hai và hai con gái đang lao động ở Cộng hòa Séc. Con trai anh chị sang Cộng hòa Séc học nghề từ năm 1988, rồi ở lại lao động, làm dịch vụ. Sau này đã đón cả hai em gái sang cùng làm. Các cháu đều đã có gia đình.
Nhà chị, cũng như nhà của bà con thôn Trung Hòa đều là nhà ngói, nhà tầng. Đường thôn, ngõ xóm đều đã bê tông hóa, sạch sẽ, khang trang.
Tôi đã ghi lại một số hình ảnh ở gia đình chị Nguyễn Thị Song – gia đình người Anh hùng lao động và thôn Trung Hòa ngày nay, sau nửa thế kỷ đi lên theo con đường của Đảng Cộng Sản Việt Nam và Bác Hồ vĩ đại dẫn dắt, để minh chứng cho sự đổi thịt thay da của đồng đất Trung Hòa bạc mầu, của nhân dân thôn Trung Hòa nghèo khó năm xưa.

 Chân dung anh hùng Nguyễn Thị Song


Vợ chồng chị Song



Nhà chị Song


Làng xóm thôn Trung Hòa ngày nay


Đường làng

Đồng lúa quanh thôn Trung Hòa

Cụm dân cư chợ Trung Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét