Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Thường Thắng tổ chức học tập Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cho cán bộ ngoài Đảng.

Thực hiện Nghị quyết của Huyện Ủy và sự chỉ đạo của Thường trực UBMT Tổ Quốc huyện Hiệp Hòa, sáng 15/9/2011, UBMT Tổ Quốc xã Thường Thắng đã phối hợp với Thường trực Đảng ủy xã tổ chức lớp nghiên cứu, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cho cán bộ thôn, cán bộ đoàn thể là người ngoài Đảng. Đông đảo cán bộ được triệu tập đã có mặt. Bà Nguyễn Thị Dung, huyện ủy viên, phó Bí thư thường trực Đảng ủy đã trực tiếp giới thiệu nội dung Nghị quyết với lớp học. Ông Trần Chi, Bí thư Đảng ủy trực tiếp dự, theo dõi, chỉ đạo lớp học.
Theo chương trình quy định, bà Nguyễn Thị Dung đã giới thiệu với lớp học những vấn đề cơ bản của Nghị quyết như: Những nội dung cơ bản của cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Những nội dung cơ bản của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020; Những nội dung cơ bản của báo cáo chính trị tại Đại hội XI của Đảng; về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng của Đại hội XI.  
Các học viên chăm chú lắng nghe với một tinh thần nghiêm túc để tiếp thu Nghị Quyết của Đảng. Sau buổi học, qua trao đổi, một số học viên cho biết: Những vấn đề nghiên cứu trong lớp học hôm nay, từ trước, trong, sau Đại hội Đảng các cấp, các phương tiện thông tin đại chúng đã giới thiệu. Nhưng hôm nay được nghe giới thiệu có hệ thống, có thành tựu, có những mặt còn hạn chế, có nguyên nhân, có bài học kinh nghiệm… mọi người càng hiểu sâu sắc hơn; nhất là những vấn đề về cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; những mục tiêu kinh tế - xã hội 2011 - 2020 mà Đại hội đã quyết định. Điều dễ nhận biết là những mục tiêu đó Đảng bộ và nhân dân xã Thường Thắng đang làm hàng ngày trên đồng ruộng, ở đường làng, ở trường học… Chính những người ngồi học Nghị quyết hôm nay cũng là những người đang làm những công việc mà nghị quyết đã nêu ra, để thực hiện mục tiêu: Dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ở ngay từng thôn xóm.
Đội ngũ cán bộ tham gia học tập hôm nay cùng với hơn 250 đảng viên trong Đảng bộ xã Thường Thắng sẽ là nòng cốt cho toàn thể nhân dân tìm hiểu, nghiên cứu, quán triệt và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, đưa Nghị quyết trở thành hiện thực trong cuộc sống  của các gia đình, làng xã cả hiện tại và tương lai.
Dưới đây là hình ảnh lớp học.
Bà Nguyễn Thị Dung giới thiệu Nghị quyết với lớp học
Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch UBMT Tổ Quốc chủ trì lớp học
Hội trường lớp học

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

UBND huyệnHiệp Hòa chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa

Ngày 06/9/2011, UBND huyện Hiệp Hòa đã có công văn chỉ đạo phòng trừ rầy nâu lứa 7 hại lúa mùa. Công văn nêu rõ:
Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn, trên địa bàn huyện hiện nay trà lúa mùa sớm ở vùng thượng huyện và phía Tây huyện đã trỗ thoát, vùng trung và hạ huyện lúa đang ở giai đoạn đòng to – trỗ. Trà lúa chính vụ đang ở giai đoạn đứng cái – đòng to.
Qua điều tra theo dõi, ở các trà lúa đã xuất hiện các đối tượng sâu bệnh hại, đặc biệt là tập đoàn rầy với mật độ trung bình 200 – 300 con/m2, nơi mật độ cao lên đến 600 – 800 con/m2. Mật độ ổ trứng trung bình 100 – 200 ổ/m2, nơi mật độ cao lên đến 300 – 500 ổ/m2. Diện tích nhiễm 15 ha, tập trung chủ yếu trên trà lúa mùa sớm ở hầu hết các xã: Ngọc Sơn, Hoàng Thanh, Hòa Sơn, Lương Phong, Đoan Bái, Hợp Thịnh… Dự báo rầy nở rộ tập trung từ 10/9/2011 trở đi. Nếu không phòng trừ tốt sẽ có diện tích cháy cục bộ theo ruộng, theo vùng sau 15/9/2011. Ngoài ra còn có bệnh đen lép hạt, nhện gié, bệnh khô vằn, chuột hại…. tiếp tục hát sinh gây hại.
Để bảo vệ và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh, nhất là tập đoàn rầy nâu trong vụ mùa 2011, UBND huyện yêu cầu: UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác chỉ đạo đối với cán bộ khuyến nông, các ngành, đoàn thể, các trưởng thôn, xóm và nông dân tổ chức thăm đồng, nắm bắt các đối tượng sâu bệnh trên đồng ruộng; hướng dẫn bà con phòng trừ kịp thời bằng các loại thuốc đặc hiệu, đúng kỹ thuật nhằm đạt hiệu quả cao.
Đối với rầy nâu, phun trừ với mật độ trung bình 20 – 40 con/khóm. Nếu lúa còn xanh (giai đoạn lúa trỗ - xuôi trái) sử dụng nhóm thuộc lưu dẫn phun đều trên lá như: Penalty 40WP, Oshin 20WP, Chess 50WG, Elsin 10EC…. Giai đoạn lúa đỏ đuôi, sử dụng thuốc tiếp xúc như: Penalty-gold 50EC, (Bassa 50EC + Padan, Gànòi 95SP), Megashield 525EC (phải rẽ lúa và phun trực tiêp vào 2/3 gốc lúa).
Ở những nơi, vùng bị chuột hại diện rộng cần phát động chiến dịch diệt chuột ở quy mô cộng đồng; kết hợp các biện pháp dùng bả, bẫy bán nguyệt, đào bắt thủ công… Các xã, thôn cần trích quỹ hỗ trợ nông dân diệt chuột.
Công văn còn lưu ý đến việc bảo vệ môi trường; yêu cầu đối với phòng NN&PTNT, Trạm khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Chi nhánh vật tư nông nghiệp, Đội quản lý thị trường sô 7, Đài truyền thanh huyện chỉ đạo Đài truyền thanh các xã phối hợp cùng hoạt động để báo đảm  việc phòng trừ sâu bệnh cho lúa mùa đạt hiệu quả cao.

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Trường THCS Thường Thắng khai giảng năm học mới và đón Bằng công nhận Trường Chuẩn Quốc gia

Sáng nay, 5/9/2011, trường THCS xã Thường Thắng đã long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học 2011 – 2012 và đón nhận Bằng công nhận Trường Chuẩn Quốc gia. Dự lễ cùng với thày giáo và học sinh nhà trường, có đông đủ các đại biểu Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, các Ban, ngành, Đoàn thể của xã, các ông Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Các thầy giáo Hiệu trưởng nhà trường đã nghỉ hưu; Đại diện Ngân hàng NN&PTNT huyện Hiệp Hòa. Trước giờ khai mạc, ông Vũ Chí Kỳ, phó Chủ tịch UBND huyện đã đến thăn, chúc mừng và tặng hoa nhà trường.
Trường THCS xã Thường Thắng đạt chuẩn quốc gia là kết quả thực hiện Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ xã Thường Thắng nhiệm kỳ 2005 – 2010 cùng với sự chỉ đạo sát sao của Phòng GD&ĐT và Ban chỉ đạo xây dựng trường chuẩn quốc gia huyện Hiệp Hòa.
Năm năm qua, được sự quan tâm đầu tư của cấp trên, Đảng bộ, nhân dân và trường THCS xã Thường Thắng đã phấn đấu tích cực để đạt các tiêu chuẩn theo quy định của trường chuẩn quốc gia. Về cơ sở vật chất từ diện tích mặt bằng đến xây dựng trường, lớp, nhà trường đã được đầu tư trên 3 tỷ đồng. Tháng 8/2011, đưa  nhà 2 tầng 4 phòng chức năng vào sử dụng là cơ bản trường đã được kiên cố hóa, kể cả cổng trường, đường đi, sân trường, tường bao đều khang trang, sạch đẹp. Về chuyên môn, nhà trường đã phấn đấu từ một trường trung bình năm 2008, trở thành trường tiên tiến xuất sắc năm 2011. Năm học 2007 -2008, trường xếp thứ 21/26 trường trong huyện; năm học 2008 – 2009, xếp thứ 14/26 trường; năm học 2009 – 2010, xếp thứ 8/26 trường; năm họa 2010 – 2011, xếp thứ 2/26 trường trong huyện. Ngày 14/2/2011, trường đã được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận đạt trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2010 – 2015.
Trong buổi lễ long trọng khai giảng năm học mới và đón Bằng công nhận trường chuẩn quốc gia sáng nay, nhà trường đã phát động thi đua xây dựng quyết tâm phấn đấu giữ vững thành tích của trường trong những năm tới.
Dưới đây là một số hình ảnh buổi lễ.
Ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch UBND xã được ủy quyền trao bằng công nhận trường chuẩn quốc gia cho nhà trường.
Đọc thư của Chủ tịch nước
Đại diện học sinh, thầy giáo hứa quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ năn học mới
Ông Trần Chi, Bí thư Đảng ủy tặng hoa cho nhà trường
UBMT Tổ Quốc và các đoàn thể xã tặng quà cho nhà trường
Trường Tiểu học và trường Mầm non tặng hoa và quà
Bà Nguyễn Thị Liên (bên phải) đại diện Ngân hàng NN&PTNT huyện Hiệp Hòa tặng xe đạp cho học sinh nghèo
Văn nghệ chào mừng
Ông Nguyễn Văn Tuấn, phó Chủ tịch UBND xã báo cao quá trình xây dựng trường chuẩn
Các đại biểu lãnh đạo xã cùng các thày Hiệu trưởng nghỉ hưu chụp ảnh với BGH nhà trường
Một số hình ảnh trường ,lớp

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

Kết quả 10 năm hoạt động khuyến học của gia tộc Cụ Đồ Khởi

Gia tộc cụ Đồ Khởi là một trong những gia tộc tổ chức sớm quỹ khuyến học và hoạt động khuyến học ở xã Thường Thắng (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang). Quỹ khuyến học của gia tộc có gần 20 triệu, dùng để hỗ trợ các gia đinh có hoàn cảnh khó khăn vay làm vốn bảo đảm cho con cháu không phải bỏ học và khen thưởng những học sinh giỏi, học sinh tiên tiến hàng năm. Hoạt động đã thiết thực động viên con cháu các gia đình trong gia tộc thi đua học tập. Trong 10 năm qua, toàn gia tộc đã có 450 lượt học sinh, sinh viên đạt thành tích học tập giỏi, được các nhà trường khen thưởng, gia tộc khen thưởng. Trong 10 năm qua, toàn gia tộc đã có 3 người học xong Cao học được nhận Bằng Thạc sĩ, 20 sinh viên tốt nghiệp Đại học được nhận Bằng Cử nhân, 5 sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng, 10 học sinh Trung học nghề.
Năm học 2010 -2011 toàn gia tộc có 58 học sinh, sinh viên đạt học sinh giỏi, học sinh tiên tiến được tuyên dương khen thưởng. Trong đó có 1 học sinh THCS đạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi môn Toán tỉnh Bắc Giang, 3 học sinh đạt giải Nhì, 2 học sinh đạt giải Ba trong kỳ thi học sinh giỏi các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ (THCS) huyện Hiệp Hòa; 21 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cả năm (có 8 em đạt HSG 3 năm liền); 28 em đạt học sinh tiên tiến (có 12 em đạt HSTT 3 năm liền); 6 sinh viên tốt nghiệp Đại học; 2 sinh viên Cao học bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ.
Một nét mới trong hình thức khen thưởng học sinh giỏi của gia tộc cụ Đồ khởi năm nay là sau phần khen thưởng, Ban đại diện gia tộc, phụ huynh cùng toàn thể học sinh đã làm lễ dâng hương báo công trước mộ Tổ, hứa quyết tâm phát huy truyền thống hiếu học của Tổ Tiên, con cháu tiếp tục thi đua học tốt để trở thành những công dân có ích của đất nước, quê hương, cuả dòng họ và của mỗi gia đình, sau đó tổ chức đi thăm quan Hà Nội, vào lăng viếng Bác Hồ. Hoạt động này đã tạo nên một không khí phấn khởi thi đua học tập trong cả học sinh và phụ huynh các gia đình trong gia tộc.
Hoạt động khuýen học của gia tộc Cụ Đồ Khởi cùng với hoạt động khuyến học của các dòng họ ở xã Thường Thắng trong tuần qua đã thiết thực góp phần động viên học sinh, sinh viên phấn khởi bước vào năm học mới (2011 - 2012) khai giảng vào ngày mai (05/9/2011).
Ban đại diện gia tộc Cụ Đồ Khởi cùng các học sinh, sinh viên được khen thưởng dâng hương báo công, chụp ảnh trước mộ Tổ.

 Chụp ảnh kỷ niệm thăm quan ở Hà Nội.

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Đôi điều tản mạn về thành quả cách mạng từ nhà hàng Suối Bia

Những ngày gần đây, đặc biệt là hôm nay, Ngày Mùng Hai Tháng Chín, trên các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh – Ngày Tết Độc lập của dân tộc, của nhân dân, của đất nước Việt Nam. Tất cả những bài nói, bài viết, phim ảnh… đều toát lên một nội dung: Thành quả của cuộc Cách mạng  tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, dẫn dắt nhân dân ta làm nên.
Có lẽ thế hệ trẻ ngày nay cảm nhận về thành quả của cách mạng chủ yếu là qua sách vở, qua những bài học ở nhà trường, qua phim ảnh nên có thể còn ở chừng mực, chưa thấy hết, chưa thấm thía sự đổi thay của cuộc đời từ thành quả của Cách mạng Tháng Tám, của ngày Tết Độc lập. Với thế hệ chúng tôi, tuổi 70 trở lên thì cảm nhận được thành quả của cách mạng ngay từ bát cơm ăn, từ manh áo mặc, từ căn nhà ở, đường đi mỗi khi bước chân ra khỏi nhà hàng ngày, từ cuộc sống sung sướng, đầy đủ tiện nghi của con, của cháu chắt ngay trong mỗi nhà, chứ chưa nói gì đến sự đổi thay lớn lao của quê hương, của đất nước. Hôm nay, cái cảm nhận về thành quả của cách mạng dậy lên trong tôi khi tôi được mời đến dự khai trương địa điểm mới của Nhà hàng Suối Bia – Nhà hàng của anh Trần Chi.
Thế hệ Trần Chi, sinh năm 1960, lớn lên trong những năm kháng chiến chống mỹ, trực tiếp là chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc. Đến tuổi trưởng thành đã trực tiếp tham gia cầm súng chiến đấu chống quân bành trướng, bảo vệ Tổ Quốc ở biên giới phía Bắc; đã nếm trải những khó khăn của thời bao cấp, của những năm đầu đổi mới với cuộc sống gian nan vất vả, chắc chắn là cảm nhận được thành quả của sự nghiệp đổi mới những năm gần đây, chứ cảm nhận được sự đổi đời của thành quả Cách mạng Tháng Tám thì chắc chắn là chưa hiểu thấu.
Thế hệ trẻ ngày nay, thế hệ sinh ra sau những năm 1980, như Trần Văn Trường, con trai đầu của Trần Chi, đã du học ở Nhật Bản, đang làm trong Công ty cơ khí Nhật - Việt ở Hà Nội thì chắc chắn là cảm nhận về thành quả cách mạng của nước ta còn nhiều điều suy nghĩ. Nước ta còn thua Nhật xa lắm. So với cuộc sống của Nhật thì nước ta còn phải phấn đấu nhiều chục năm nữa mới đat đến. Điều đó, chúng ta, con cháu chúng ta đều biết, đang lo, đang làm, vá chắc chắn là sẽ lo được, làm được.
Đó cũng là lẽ tự nhiên. Từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945, từ thế hệ của Trần Chi đâu còn có được cảm giác thơm ngon của cái bánh cám nướng thui trong lửa rơm, to bằng cái bánh quy Hương Thảo bây giờ, mà chỉ giành riêng cho người bé nhất trong nhà mới được ăn, năm 1945. Thế hệ Trần Chi đâu còn có được cảm giác ngon lành của  những bát củ chuối nấu không đủ muối, những khúc bầu luộc ăn thay cơm mỗi bữa tối về sau một ngày lao động vất vả.
Hôm nay, đi trong không khí tưng bừng chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc Khánh Mùng Hai Tháng Chín dọc các đường phố khang trang của trung tâm huyện lỵ Hiệp Hòa (Thị trấn Thắng), trong tôi đã rạo rực niềm vui khi nhìn rõ những thành quả của Cách mạng qua hơn nửa thế kỷ. Đến Nhà hàng Suối Bia của Trần Chi, ở địa điểm mới, giáp ranh giữa Thị trấn Thắng với xã Ngọc Sơn, cảm nhận về thành quả cách mạng trong tôi càng cụ thể hơn. Một nhà hàng với hai nhà sàn cổ hoàn toàn bằng gỗ Nghiến, được mua từ tỉnh Cao Bằng chuyển về, mỗi căn nhà rộng trên 100m2. Một nhà lợp ngói để gia đình ở sàn trên, sàn dưới là quầy bán hàng. Một nhà lợp lá cọ làm phòng ăn cho khách vừa mát mẻ, vừa sang trọng. Đi liền với hai nhà sàn còn có các phòng ăn có điều hòa nhiệt độ. Phòng nhỏ, mỗi phòng có 3 bàn ăn, 18 ghế ngồi. Phòng lớn có 12 bàn ăn, 72 ghế ngồi, phục vụ theo nhu cầu của khách. Một nhà hàng mang tên “Khu ẩm thực nhà sàn đôi” vừa cổ kính, vừa hiện đại nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển của cuộc sống đang đổi thay hàng ngày. Theo giới thiệu của Trần Chi, nhà hàng còn phát triển với khu vườn cây cảnh, bể cá, hội trường phục vụ đám cưới và những hạng mục dịch vụ khác. Quản lý điều hành nhà hàng là con trai thứ hai của Trần Chi đã tốt nghiệp Đại học, về làm tại nhà. Tương lai con gái út học xong Đại học cũng về làm tại nhà, không lo “thất nghiệp”. Nhà hàng hiện mới có 15 nhân viên phục vụ.
Vợ chồng Trần Chi vốn là gốc nông dân, chuyên làm nông nghiệp, đã trải qua lam lũ với chiếc xe đạp cọc cạch, lên tận rừng Yên Thế chặt nứa đem về đan phên dàng phơi bánh tráng, bán kiếm từng đấu gạo, rồi xoay sang nuôi lợn, nuôi gà mà cuộc sống vẫn khó khăn. Năm 2005, Trần Chi chuyển hướng. Từ thôn Chợ Thường, xã Thường Thắng nhỏ hẹp, Trần Chi lên Thị Trấn Thắng thuê đất mở nhà hàng Suối Bia làm dịch vụ ăn uống, giải khát. Hai vợ chồng vừa lao động, vừa lần lượt nuôi 3 con học Đại học. Tất cả đều từ vốn vay Ngân hàng Nhà Nước.
Không chỉ lo phát triển kinh tế gia đình, Trần Chi còn mang cả trách nhiệm với quê hương. Tháng 6/2010, anh được Đảng bộ xã Thường Thắng bầu vào Đảng ủy, rồi được bầu làm Bí thư Đảng ủy. Thời gian đó anh đã triển khai xây dựng nhà hàng Suối Bia với ý tưởng nhà sàn đôi như hiện nay. Hơn một năm nay, anh giao nhà hàng cho con trai thứ hai quản lý, điều hành, anh chỉ làm vai trò giám đốc. Anh tập trung cho nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Để thực hiện thành công Nghi quyết Đại hội Đảng bộ, Nghị quyết của Đảng ủy về vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông, đổ bê tông đường làng, anh trăn trở, lăn lộn ngày đêm với các chi bộ, các thôn. Chi bộ nào khó khăn, thôn nào khó khăn anh đều đến dự họp. Họp ngày, họp đêm anh sẵn sàng có mặt. Nghe anh phân tích, giải thích, nhân dân đều thông, nhất trí đồng lòng, quyết tâm thực hiện. Mấy tháng gần đây, phong trào hiến đất, mở rộng giao thông, đổ bê tông đường làng đang phát triển mạnh mẽ ở các thôn trong toàn xã có phần đóng góp quan trọng của anh.
Có thể bạn đọc cho rằng tôi tham lam, nói miên man, dây cà ra dây muống. Thế cũng không sai. Nhưng tôi lại muốn nói sâu cảm nhận của mình về thành quả cách mạng từ cái nhà hàng Suối Bia mà tôi thấy. Nhà hàng Suối Bia, người làm nên Nhà hàng Suối Bia Trần Chi, theo suy nghĩ của tôi là cái cụ thể của thành quả cách mạng. Con người, sự việc, cuộc sống hôm nay đều là thành quả của cách mạng. Chúng ta, con cháu chúng ta, làng xóm quê hương chúng ta đang đổi thay hàng ngày với tuyệt đại đa số người Việt Nam chúng ta có thể nói đều là thành quả của cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu dẫn dắt nhân dân ta làm nên trong hơn nửa thế kỷ qua.
Có thể có bạn đọc cho rằng, tôi được mời, đươc chiêu đãi mà viết bài này để quảng cáo cho nhà hàng Suối Bia. Hoàn toàn không phải như vậy. Tôi đang phải điều tri tiểu đường, điều trị viêm thần kinh, phải ăn kiêng. Kiêng bia, rượu, kiêng nhiều thức ăn. Ngồi cùng “bàn tiệc” với mọi người nhưng tôi chỉ dùng một cốc nước lọc đóng chai và mấy miếng đậu rán, rau muống luộc và món Kim chi kiểu Hàn Quốc mới lạ. Thịt gà, thịt cò, thịt bò, cá trạch rán…toàn những món ngon tôi đều phải kiêng. Tôi đến không vì được chiêu đãi mà vì nể lời mời của chủ nhà. Tôi đến cũng là để thăm quan một công trình mới mà chủ nhà đã giới thiệu từ khi còn đang xây dựng. Chính cảm nhận về thành quả cách mạng từ không khí của Ngày Quốc Khánh, với hình hài cụ thể của cái Nhà hàng Suối Bia của một gia đình gốc nông dân, từ nghèo khó xưa kia, nhờ có cách mạng mà được đổi đời, đã thôi thúc tôi viết những dòng này tâm sự cùng bạn đọc. Trong số những người có mặt, chỉ có tôi và bà Quế, mẹ đẻ của Trần Chi năm nay đang ở tuổi 80 là cảm nhận thấy và có suy nghĩ về điều này: Thành quả cách mạng mà mình, con cháu mình đã và đang được hưởng chính là đây. Thành quả cách mạng không ở đâu xa.

 Anh Trần Chi, người đứng bên trái

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

Động viên tân binh chuẩn bị lên đường nhập ngũ.

Thực hiện nhiệm vụ tuyển quân năm 2011, Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự huyện Hiệp Hòa đã có quyết định gọi 17 thanh niên ở xã Thường Thắng đủ điều kiện nhập ngũ. Trong không khí thi đua chào mừng kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tam và Quốc Khánh 2/9, chiều 1/9/2011, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Thường Thắng đã tổ chức gặp mặt, đông viên các tân binh chuẩn bị lên đường nhập ngũ vào ngày 06/9/2011 sắp tới.
Dù là làm nghĩa vụ quân sự thời bình, thời gian có 18 tháng theo Luật, nhưng việc tổ chức gặp mặt động viên tân binh lên đường là việc làm có tính truyền thông từ mấy chục năm kháng chiến chống ngoại xâm để lại, vừa là để Chính quyền – Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự xã - chính thức giao nhiệm vụ cho công dân, vừa là để nhắc nhở cho con cháu hiểu sâu thêm về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, về truyền thống quê hương mà phấn đấu làm tròn nhiệm vụ, nghĩa vụ; cũng là thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, Chính quyền, đoàn thể đối với những thanh niên lên đường nhập ngũ, làm nghĩa vụ quân sự nói riêng và nhiệm vụ quân sự địa phương hàng năm nói chung.
Dù chỉ có 17 thanh niên nhập ngũ, (có năm chỉ có 7 người) nhưng hình thức tổ chức vẫn được làm bài bản, đầy đủ. Chủ tịch Hội đồng NVQS phát biểu giao nhiệm vụ cho thanh niên; các Đoàn thể tặng quà cho tân binh; đại diện cấp ủy nói chuyện, căn dặn thanh niên lên đường hoàn thành tốt nhiệm vụ, phán đấu trưởng thành, trở thành những đoàn viên Đoàn Thanh niên ưu tú, được kết nạp vào Đảng, trở thành những đảng viên, cán bộ trẻ của quê hương sau này.
Nói chuyện với 17 tân binh hôm nay, bà Nguyễn Thị Dung, Huyện Ủy viên – phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biệt: 12 thanh niên nhập ngũ năm 2009, khi hoàn thành nghĩa vụ trở về đã có 6 thanh niên được kết nạp vào Đảng ở đơn vị Quân đội, đã thiết thực bổ sung đảng viên trẻ cho Đảng bộ. Buổi gặp mặt tân binh hôm nay, thay mặt Đảng ủy xã, bà Nguyễn Thị Dung cũng đã trao giấy chứng nhận đã qua lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng của Trung tâm lý luận chính trị huyện Hiệp Hòa cho 3 tân binh là: Đinh Văn Lợi, Đỗ Văn Giang và Lê Văn Hải là những đoàn viên ưu tú được các chi bộ giới thiệu đi học trước khi nhập ngũ. Đây là một việc làm thật ý nghĩa, không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng Quân đội trước mắt mà còn phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng Đảng, cho nhiệm vụ cách mạng lâu dài.
Buổi gặp mặt gọn nhẹ, đơn giản nhưng thật ý nghĩa khi nó được tổ chức đúng vòa dịp Lễ Quốc Khánh của đất nước.
Xin giới thiệu với bạn đọc, nhất là các bạn trẻ một vài hình ảnh buổi sinh hoạt ít có ở các trường học trong thời bình này.

 Chủ tịch Hội đồng NVQS xã Nguyễn Văn Năm giao nhiệm vụ cho tân binh.
Chủ tịch UBMTTQ xã Nguyễn Văn Hào nói chuyện động viên tân binh
Bà Nguyễn Thị Dung, HUV, phó Bí thư Thường trực Đảng ủy trao giấy chứng nhận bồi dưỡng kết nạp Đảng cho 3 tân binh. Thứ tự từ phải sang trái: Bà Dung, Đinh Văn Lợi, Nguyễn Văn Giang, Lê Văn Hải.
Đinh Văn Lợi thay mặt 17 tân binh phát biểu hứa hẹn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chủ tịch Hội Phụ nữ Nguyễn Thị Gái (bên trái), Chủ tịch Hội Nông Dân Đặng Thị Lan (bên phải) tặng quà cho tân binh. Vì hội trường hẹp nên chia làm 3 đợt.
5 thanh niên ở thôn Tiến bộ phấn khởi cùng nhập ngũ đợt này.